Techcombank cho dự án khống vay 500 tỷ đồng, không công chứng và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo

Kỳ Văn
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có thể ngay từ đầu đã xác định đước dự án không tồn tại, nên hợp đồng thế chấp với Vinafood 2 không cần công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo cho khoản vay 518 tỷ đồng?

Tại Kết luận thanh tra số 2099/BC-TTCP ban hành ngày 2/12/2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Techcombank cho vay 500 tỷ dự án khống, không công chứng và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo
Giao dịch tại Techcombank. Ảnh minh họa

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ phát hiện Tổng Công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood 2) và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để lập dự án ‘khống’, rồi mang đi thế chấp ngân hàng, vay tiền ngân hàng trái luật.

Cụ thể giai đoạn từ 2010 đến cuối năm 2015, Vinafood 2 ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam số CIB20140016/HĐTD ngày 5/12/2014 để bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên, hạch toán phụ thuộc; ký Hợp đồng thế chấp số CIB2015.0022/HĐTC ngày 6/3/2015. Hợp đồng thế chấp này không có chứng nhận của công chứng, cũng không đăng ký giao dịch đảm bảo.

Techcombank cho vay 500 tỷ dự án khống, không công chứng và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo
Giai đoạn từ 2010 đến cuối năm 2015, Vinafood 2 ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Techcombank để bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên. Ảnh chụp kết luận thanh tra

Theo Thanh tra, tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 971073 của 4 cơ sở nhà đất này được định giá là 696,470 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Techcombank. Sau đó, Techcombank đã giải ngân cho chủ đầu tư hơn 518 tỷ đồng vào ngày 9/3/2015. Đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi vay gần 550 tỷ đồng. Có chăng Techcombank đã phát hiện rằng đây là dự án khống hay “lỡ” hồ sơ làm cho có mà nhà băng này đã sớm chấm dứt hợp đồng tín dụng?

Đến nay, Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp.

Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng việc Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để thực hiện chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước là làm trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2014.

Techcombank cho vay 500 tỷ dự án khống, không công chứng và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo
Đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi vay gần 550 tỷ đồng

Để thu hồi tài sản Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh xử lý thu hồi khu đất công tại quận 1 đang bị Vinafood 2 thâu tóm; đôn đốc và giám sát, các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Giao Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng số 28355 “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu.

Techcombank cho vay 500 tỷ dự án khống, không công chứng và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo
Nợ nhóm 3 tại Techcombank tăng mạnh 91% so với đầu năm, lên mức 417 tỷ đồng và nợ nhóm 4 cũng tăng lên 75%, đạt gần 534 tỷ đồng

Theo dữ liệu của Ngày mới Online, tính đến ngày 31/12/020, quy mô tổng tài sản của Techcombank đạt 439.602 tỷ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 277.524 tỷ đồng, tăng trưởng 20,2% so với đầu năm. Chứng khoán đầu tư đạt 84.447 tỷ đồng đồng, tăng 27% so với đầu năm. Năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Techcombank âm đến 10.073 tỷ đồng, trong khi năm 2019 dương 12.632 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2020, dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Techcombank đã giảm tới 7 lần, từ 2.554 tỷ đồng xuống chỉ còn 344 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 tại Techcombank lại tăng mạnh 91% so với đầu năm, lên mức 417 tỷ đồng và nợ nhóm 4 cũng tăng lên 75%, đạt gần 534 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 1,3% xuống còn 0,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 171% so với mức 94,8% tại thời điểm 31/12/2019.