Thành phố Hồ Chí Minh sau một năm mở cửa

Admin
Sau đau thương, chia cách, mỗi số phận chịu cảnh mất mát người thân vì đại dịch COVID-19 vẫn đang sống và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày. Vì họ phải sống thay cả phần người đã khuất, sống cho những san sẻ, yêu thương và sống vì ngày mai tươi đẹp hơn.
Bài 4 để không ai bị bỏ lại phía sau

Sau đau thương, chia cách, mỗi số phận chịu cảnh mất mát người thân vì đại dịch COVID-19 vẫn đang sống và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày. Vì họ phải sống thay cả phần người đã khuất, sống cho những san sẻ, yêu thương và sống vì ngày mai tươi đẹp hơn.

Trong lằn ranh sinh tử

Ngay từ đầu tháng 6 năm ngoái, anh Nguyễn Tấn Thẳng (ngụ phường Hiệp Thành, Quận 12) đã cùng một số anh em trong khu phố tự thành lập đội thiện nguyện để kêu gọi và đi cứu trợ cho những hộ gia đình đang có F0 cách ly.

Anh Nguyễn Tấn Thẳng (phường Hiệp Thành, Quận 12)
Anh Nguyễn Tấn Thẳng (phường Hiệp Thành, Quận 12)

Trớ trêu thay, cho đến đầu tháng 8, chính anh Thẳng lại trở thành F0 vào đúng đợt cao điểm của dịch. Lúc nhiễm bệnh, anh Thẳng còn là trường hợp rất nặng, phải sử dụng đến mấy chục bình ôxy. Có khi SpO2 của anh tụt xuống chỉ còn sáu mươi mấy (trung bình từ 95 - 100%), toàn thân tím tái, rơi vào hôn mê. Chưa kể ngày ấy, nhu cầu sử dụng bình ôxy tăng quá cao, khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn bội phần. Chính lúc nguy cấp ấy, gia đình anh Thẳng đã được tiếp thêm động lực để chiến đấu, khi nhận được bình ôxy miễn phí từ một số đội cứu trợ F0 tại nhà.

Nhớ lại quãng thời gian “thập tử nhất sinh” đó, chị Lên - vợ anh Thẳng không kiềm được sự xúc động lẫn ám ảnh.

“Ảnh bị xong tới hai đứa con cũng bị, có mỗi mình em tự chăm lo theo bản năng cho 3 cha con. Nhìn thấy ba nó như vậy, hai thằng con em nó sợ lắm, nó sợ mất ba…”, chị Lên bồi hồi kể.

Chị Lên - vợ anh Thẳng

Phép màu diệu kỳ đã xuất hiện với gia đình khi anh Thẳng. Trong bàn tay yêu thương của vợ con, anh giành lại được sự sống giữa ranh giới sinh tử mong manh.

Người phi thường giữa đời vô thường

Cứ mỗi lần dịch COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Ngon (nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 10, Quận 8) lại “xông pha” đi khắp nơi để hỗ trợ cho các gia đình có F0. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát năm ngoái cũng không ngoại lệ, cứ nơi nào giăng dây hoặc có rào chắn là ông Ngon cùng bà xã sẽ đến để phát cơm cho người dân khu đó.

Thậm chí, thời điểm đó vì có căn nhà đang để trống, ông Ngon còn cho một F0 ở tạm để cách ly, tránh lây nhiễm chéo cho gia đình. Công việc ấm lòng của hai vợ chồng ông Ngon cứ thế đều đặn mỗi ngày. Cho đến cuối tháng 7 năm ngoái, cả ông cùng bà xã đều nhiễm COVID-19. Buồn thay, vì không có triệu chứng rõ rệt nên nghĩ rằng sức khỏe mình vẫn bình thường, cho đến khi ông Ngon bỗng trở nặng, phải nhập viện không lâu thì mất.

bà Lan vợ ông Ngon kể lại, mắt hướng nhìn xa xăm

Lúc nhận tin dữ, bà sốc, đến mức nghĩ mình cũng sẽ không thể vượt qua...

“Có thể hiện giờ tài chính tôi không phải lo nghĩ nhiều, vì thực sự có ăn mấy đâu, duy chỉ có nỗi đau mất người thân là vẫn còn đó thôi. Dầu sao giờ con trai cũng chuyển về ở cạnh tôi là cũng được an ủi phần nào rồi”, bà Lan nói.

Di sản lớn nhất mà ông Ngon để lại có lẽ chính là sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng quý giá, ý nghĩa và lớn lao cho xã hội, cho công cuộc chống dịch chung của cả thành phố này.

Ông Ngon - chồng bà Lan đã trở thành một người đàn ông đầy phi thường giữa cuộc đời quá đỗi vô thường…

Viết tiếp ước mơ của mẹ và con

Thời điểm cuối tháng 8 năm ngoái, khi nhận được tin người mẹ đang đi cách ly đã qua đời vì COVID-19, Bảo Hân (12 tuổi, ngụ Quận 3) vẫn còn tưởng đó chỉ là một trò đùa từ người lớn. Cho đến ngày hôm sau, khi chính tay thắp hương cho mẹ, Bảo Hân mới biết thực sự mẹ đã không thể trở về bên mình nữa. Lúc này em mới nhận ra lần tiễn mẹ đi cách ly cũng là lần cuối cùng em được nhìn thấy mẹ mình bằng xương, bằng thịt…

Những ngày ít ỏi chữa trị tại khu cách ly, mẹ em đã gắng gượng để lại một di thư thật dài. Trong đó, chất chứa bao nhiêu trăn trở, lo lắng và tình cảm của người mẹ trẻ dành cho đứa con gái duy nhất của mình. Rằng, mẹ em rất sợ khi phải ở đây, với những con người đớn đau và tang thương ám ảnh. Cho đến những ngày cuối cùng, khi mẹ em biết bản thân mình không thể qua khỏi, người mẹ ấy cũng chỉ mong muốn rằng Bảo Hân sẽ học thật giỏi và sau này được sống một cuộc sống tốt đẹp, vui tươi.

Bảo Hân 12 tuổi

Em còn bảo, cái hồi em còn phải học online, do quá mệt nên thiếp đi một lúc thì sau đó như có ai đó gọi em dậy. Trong đôi mắt em lúc này đã đượm buồn, nỗi nhớ như đã đong đầy. Dù không nói thẳng ra, nhưng em như muốn khẳng định rằng người gọi em chính là mẹ. Vì em tin rằng, mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và dõi theo mình như trước đây. Sâu thẳm hơn, trong em là cả một ước mơ mà em đang cố gắng thực hiện theo đúng tâm nguyện của mẹ mình. Rằng em sẽ học thật giỏi để sau này kiếm thật nhiều tiền, để giúp đỡ được những hoàn cảnh tương tự giống mình.

Hiện tại, Ban Phụ huynh cùng cô giáo trong lớp Bảo Hân đã vận động nhà trường để em được miễn học phí. Thi thoảng, Bảo Hân cũng được các cô ở Phường 10 thăm hỏi hoặc chở em đến chùa - nơi gửi hài cốt của mẹ để thăm viếng. Cũng có nhiều khi mạnh thường quân đến tặng quà cho em cùng các bạn nhỏ khác trong Mái ấm Ga Sài Gòn - nơi em đang sinh sống.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tổng số trẻ mồ côi do COVID-19 tại thành phố là 2.428 trẻ; Trong đó có 151 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 2.227 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19.
Vì một thành phố nghĩa tình

Đã có thời điểm, Hẻm 20 đường Đoàn Văn Bơ (Phường 9, Quận 4) phải phong tỏa liên tục trong 2 tháng ròng rã vì các ca F0 cứ nối tiếp nhau. Đáng buồn hơn, con hẻm này còn phải chịu nhiều sự mất mát vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đã trở lại bình thường, hơi thở cuộc sống tươi vui đang len lỏi qua từng ngõ ngách.

Hẻm 20 đường Đoàn Văn Bơ - TP HCM

Trong thời gian qua, thông qua công tác vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đã nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi số trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn là 1.001 em, với kinh phí bảo trợ hàng tháng từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/trẻ/tháng. Hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ Thành phố tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố nhận bảo trợ thêm 800 trường hợp trẻ mồ côi.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cũng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức chăm lo trong các dịp Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Tháng Hành động vì trẻ em… những phần quà thiết thực như: Dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm thiết yếu, sữa… với tổng kinh phí từ đầu năm 2022 đến nay là hơn 3 tỷ đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM

Theo thống kê, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và trẻ em sống trong cơ sở bảo trợ xã hội hoặc các quận, huyện đông người lao động nhập cư là hơn 18,5 tỷ đồng (các gói hỗ trợ này do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối tiếp nhận, kết nối nguồn lực). Hình thức hỗ trợ bao gồm: Tiền mặt, xe đạp, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sổ tiết kiệm, nhu yếu phẩm, sách vở, máy tính bảng…

Sài Gòn mạnh mẽ

Sở cũng đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về “Chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố”; Trình UBND TP phê duyệt “Chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh”...

Thực ra, tình yêu thương, sẻ chia, sự chung tay vì nghĩa đồng bào ở thành phố này còn có thể đến từ bất kì ai và bất cứ nơi đâu, dù chỉ là những điều nhỏ nhất; Dù là hàng xóm, láng giềng hay từ những người xa lạ chưa hề biết mặt, biết tên nhau… Để rồi từ những điều giản đơn ấy, nỗi đau sẽ được xoa dịu đi phần nào, giọt nước mắt rồi cũng sẽ được hong khô, chỉ còn lại những gì ấm áp và tốt đẹp nhất của nơi này - TP Hồ Chí Minh - thành phố nghĩa tình, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sài Gòn mau khỏe

Bài viết: Nguyễn Trang

Đồ họa: Phạm Mạnh