Tháo gỡ các "nút thắt" để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Kỳ Văn
Vướng mắc về xác định giá trị doanh nghiệp, việc xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được đánh giá là những nút thắt chủ yếu cản trở quá trình cổ phần hóa thời gian qua. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần hoàn thiện quy định pháp lý, tháo gỡ những nút thắt trong cổ phần hóa cũng như trong quá trình lên kế hoạch và danh mục cổ phần hóa.
thao-go-1654906024.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ trong cổ phần hóa, thoái vốn

Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, ghi nhận 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng; trong đó có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 05 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về tình hình thực hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 tổng giá trị thoái là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng trong đó thoái vốn nhà nước tại 04 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của Tập đoàn, Tổng công ty tại doanh nghiệp.

Như vậy, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đảm bảo kế hoạch thu ngân sách (giai đoạn 2016-2020, tổng số tiền đã nộp ngân sách là 234.387 tỷ đồng đạt 93,6% kế hoạch, năm 2021 tổng số tiền đã nộp ngân sách đạt 2,5% kế hoạch).

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung này sáng ngày 8/6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thẳng thắn chỉ ra những nút thắt làm cản trở quả trình cổ phần hóa, thoái vốn. Đó là vướng mắc về xác định giá trị doanh nghiệp, việc sắp xếp nhà đất, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được phê duyệt trước cổ phần hóa.

Bộ trưởng cho biết, việc xác định vấn đề lợi thế thương mại, kể cả đưa tiền thuê đất nộp một lần vào giá trị của doanh nghiệp thì nhiều chuyên gia đánh giá là không hợp lý. Bởi đánh giá lợi thế thương mại cũng là ước chừng, không có tiêu chí chính xác để đánh giá, hôm nay có thể giá cao nhưng ngày mai có thể là rẻ.

Về phương án sử dụng đất, nhiều chuyên gia đã đề xuất, khi doanh nghiệp nhà nước thuê đất với mục đích sản xuất kinh doanh khi chuyển sang cổ phần hóa hay tư nhân thì phải thực hiện đúng mục đích phê duyệt. Nếu không có nhu cầu sử dụng, phải trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách... Do đó, Bộ trưởng cho rằng, phải hoàn thiện quy định pháp lý, tháo gỡ những nút thắt trong cổ phần hóa và trong quá trình sắp xếp, lên kế hoạch và danh mục cổ phần hóa.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh cổ phần hóa

Để đảm bảo đẩy nhanh hơn tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, những doanh nghiệp dưới 50% vốn của Nhà nước thì nên cổ phần hóa để các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh chủ động. Những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ cần phải được cổ phần hóa để làm ăn có hiệu quả hơn. Nếu Nhà nước đã tham gia vốn thì Nhà nước phải điều hành được trong doanh nghiệp đó. Đồng thời, những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm và thực hiện được vai trò điều tiết cho nền kinh tế thì nên giữ và tăng cường năng lực để hoạt động.

Theo Bộ trưởng, đối với cổ phần hóa thì phải quản lý chặt trước, trong và sau cổ phần hóa theo quy định. Theo đó, nên quy định tiền sử dụng đất là trả tiền hằng năm, ở doanh nghiệp nhà nước là thuê đất thì sang doanh nghiệp cổ phần hóa hay doanh nghiệp tư nhân cũng thuê đất, không được chuyển mục đích sử dụng đất. Khi không có nhu cầu sử dụng đất nữa thì trả đất đó cho Nhà nước để Nhà nước đấu giá hoặc chuyển cho các cơ quan khác thực hiện có hiệu quả hơn. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm....

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện một cách đồng bộ. Trong đó, kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Việc xử lý nhà đất đối với doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở vị trí có lợi thế thương mại thực hiện theo quy định sắp xếp cơ sở nhà đất của Luật quản lý sử dụng tài sản công, không phân biệt doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Về xác định giá đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013 đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quy định rõ cơ chế, phương pháp xác định giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm xác định, quyết định, giám sát, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác định giá đất, tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất đảm bảo công khai minh bạch.

Ngoài ra, sẽ bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất (diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền…); nghiên cứu đổi mới việc xác định giá trị doanh nghiệp theo hướng giao tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp theo theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá.