Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân về việc đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) (sửa đổi)
Theo đầu mối này, việc xây dựng và ban hành Luật PCRT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả cho hoạt động PCRT, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung đặc biệt là các tội phạm nguồn như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo… và tội phạm rửa tiền nói riêng.
Việc xây dựng và ban hành bộ luật này sẽ tăng cường vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với quốc gia, đối tác nước ngoài; tránh bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, kiểm soát và bị hạn chế trong các giao dịch tài chính, ngân hàng; xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Hiện tại, theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 116 (đã được sửa đổi), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT. Tuy nhiên, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa được liệt kê là tổ chức tài chính là đối tượng báo cáo tại Luật PCRT và Luật PCRT chưa quy định về cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát về PCRT đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 về khoa học và công nghệ, các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có nhiều thay đổi so với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Do vậy, cũng xuất hiện các loại hình tổ chức kinh doanh có nguy cơ cao bị lợi dụng để rửa tiền như: tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo nhưng không phải là đối tượng báo cáo theo quy định tại Luật PCRT nên không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền.
Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế đang phát triển nhanh chóng và Luật PCRT chưa dự liệu được trường hợp phát sinh đối tượng mới cần được điều chỉnh bởi Luật PCRT để hạn chế rủi ro rửa tiền.
Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu vấn đề trên không được giải quyết, một số đối tượng có nguy cơ bị lợi dụng để rửa tiền hoặc trong tương lai có thể phát sinh một số đối tượng mà trong hoạt động kinh doanh phát sinh rủi ro về rửa tiền nhưng chưa được liệt kê hoặc dự liệu tại Luật PCRT sẽ không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền như nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ…
Tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng luôn có xu hướng dịch chuyển hoạt động của mình đến các khu vực hoặc các lĩnh vực ít chịu sự điều chỉnh của pháp luật và sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, các nhóm tổ chức nêu trên sẽ dễ bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền.
Theo đó, một trong những hướng giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là bổ sung một số đối tượng báo cáo (tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ,...); bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn trong trường hợp phát sinh thêm các đối tượng báo cáo khác.
Với những bổ sung đó, lợi ích thứ nhất là tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các đối tượng có thể bị lợi dụng rửa tiền; mở rộng các đối tượng báo cáo phải thiết lập cơ chế PCRT tại tổ chức mình và thực hiện các nghĩa vụ PCRT như thực hiện nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ… qua đó giảm thiểu rủi ro rửa tiền xảy ra ở đối tượng báo cáo.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền được cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin từ các đối tượng, lĩnh vực khác nhau để phân tích, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến rửa tiền, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh PCRT.
Lợi ích thứ hai, việc bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn sẽ tạo tính linh hoạt trong trường hợp phát sinh thêm các đối tượng báo cáo mới mà không cần sửa đổi Luật.
Thứ ba, việc bổ sung đối tượng báo cáo về PCRT sẽ góp phần làm lành mạnh, an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia; nhận được sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng quốc tế, qua đó được hưởng các chính sách ưu đãi (chi phí vay, thời gian vay, thời gian trả nợ, nội dung vay, hạn mức vay...) cũng như góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phát triển mọi ngành kinh tế.