Thêm nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm rót vốn vào thị trường Việt Nam

Admin
Theo ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh ASEAN, trọng tài viên VIAC, hiện có những chỉ dấu tích cực cho thấy các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) Mỹ quan tâm rót vốn vào Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh trong các DN Mỹ.
Liên tiếp đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh ASEAN, trọng tài viên VIAC cho biết, nhìn tổng thể, các DN Mỹ nhìn vào Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực.
Bằng chứng là hồi cuối tháng 3 vừa qua, Hội đồng Kinh doanh ASEAN đã đưa một đoàn DN Mỹ lớn nhất từ trước đến nay (với 52 DN) vào Việt Nam. Số lượng này chứng tỏ DN Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Từ giờ đến cuối năm, còn rất nhiều DN khác sẽ vào Việt Nam. Nguyên nhân là do xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh trong các DN Mỹ.
Theo chia sẻ từ ông Thành, một DN Mỹ trong mảng điện tử dự kiến tăng gấp đôi công suất và tăng gấp 4 lần doanh thu xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Một DN Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng có kế hoạch tăng gấp đôi công suất hiện nay. Một DN thành viên Hội đồng Kinh doanh ASEAN thuê nhà cung cấp từ Đài Loan đầu tư vào Hà Nam và Vĩnh Phúc tổng cộng 1 tỷ USD hiện vẫn đang triển khai.
Chuỗi cung ứng trong ngành điện tử, bán dẫn sẽ tiếp tục tăng và bản thân ông Thành cũng được một số DN Trung Quốc là nhà cung cấp cấp 4, cấp 5 cho các DN trong chuỗi này hỏi việc thuê nhà máy, nhân công ở Việt Nam như thế nào. Họ sẽ vận chuyển nguyên vật liệu linh kiện sang Việt Nam, sau đó nếu làm ăn tốt sẽ tính đến việc xây dựng nhà máy. Số lượng những DN này cũng bắt đầu tăng và xu hướng này rất rõ.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
Một số chỉ dấu tích cực khác là các công ty về logistics, trong đó có chuyển phát nhanh, vận chuyển bằng đường hàng không. Họ tiên lượng nhu cầu hàng hóa đưa vào, đưa ra Việt Nam sẽ tăng rất mạnh trong tương lai.
Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm tra chứng nhận hàng hóa có đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay không cũng đầu tư mở rộng vào Việt Nam. Tức là các dịch vụ phục vụ xuất khẩu ở Việt Nam do kết quả của gia tăng chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Việt Nam gia tăng rất rõ.
Để phục vụ sự gia tăng của mảng sản xuất ở Việt Nam liên quan đến chuỗi cung ứng dịch chuyển, một DN chuyên về dịch vụ lưu trú cho khách kinh doanh có kế hoạch đưa Việt Nam trong vài năm tới trở thành thị trường lớn nhất ASEAN. Tháng 9 tới, lãnh đạo cấp cao DN này sẽ sang Việt Nam gặp lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để bàn thảo kỹ hơn.
Một ngân hàng hàng đầu nước Mỹ cũng đang tính dịch chuyển trụ sở ở khu vực châu Á Thái Bình Dương của họ đang ở Hồng Kông về Việt Nam. Lý do dịch chuyển là bởi khách hàng của họ dịch chuyển sang Việt Nam. Đây là những chỉ dấu hết sức tích cực cho Việt Nam.
Cần tư duy dài hạn để thu hút, giữ chân nhà đầu tư
Liên quan đến mảng năng lượng, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh ASEAN đánh giá đây là vấn đề rất quan trọng. Từ góc độ DN Mỹ, cũng như các DN châu Âu, họ yêu cầu phải có năng lượng tái tạo để đầu tư vào Việt Nam mảng sản xuất. Trong khi đó, Việt Nam chưa cung cấp được năng lượng tái tạo, quy hoạch điện VIII chưa xong.
"Riêng trong mảng năng lượng, chúng ta phải tư duy dài hạn. Cách tiếp cận hiện nay vẫn là tư duy của thị trường trong nước hiện nay, tức là yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo hoặc năng lượng chưa phải là tái tạo nhưng sạch hơn một chút như điện khí. Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán giá điện. Giá điện, giá năng lượng vẫn cao, nền kinh tế không chịu được. Có thể nói Việt Nam chưa bắt kịp xu thế", ông Thành nhìn nhận.
Nếu Việt Nam để cho những nhà sử dụng năng lượng tái tạo làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, họ tự bỏ tiền ra làm và Việt Nam không can thiệp, phát triển theo tư duy đó thì trong tương lai 30 năm nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ hợp tác với họ để đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới và tham gia vào OHEC (Organization of Hydro exporting countries).
Một số mảng quan trọng khác mà Mỹ cũng đánh giá Việt Nam rất cao, đó là y tế. Vừa rồi, hai quan chức cấp cao nhất của Mỹ liên quan đến thương mại quốc tế gồm đại diện thương mại Mỹ và Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế sang Việt Nam đều khẳng định: ưu tiên cao nhất của chính quyền ông Biden hiện nay trong thương mại quốc tế là duy trì bảo đảm an ninh, sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Việt Nam hoàn toàn có thể "nhảy" vào chuỗi cung ứng y tế.
Chuỗi cung ứng toàn cầu về kinh tế số, chuỗi này bao gồm cả phần cứng và phần mềm cũng là lĩnh vực tiềm năng. Với phần cứng, Mỹ không nhập từ Trung Quốc, Việt Nam có thể tham gia sản xuất. Còn phần mềm chính là yếu tố nhân lực.
Một công ty thuộc AmCham chuyên làm về chuyển đổi số nói rằng, vấn đề của họ bây giờ không phải là tìm kiếm đơn hàng mà quan trọng làm sao có người để thực hiện đơn hàng. Họ nhìn vào Việt Nam và muốn biến Việt Nam trở thành các nhà máy chuyên sản xuất ra các công nhân chuyển đổi số để lắp vào mô hình kinh doanh của họ. Đây là cơ hội rất lớn của Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, xu hướng "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng Mỹ cũng có nhưng không nặng nề như ở châu Âu. Nhu cầu của Mỹ có giảm nhưng có một số chỉ số rất tích cực như tốc độ tăng lạm phát đã giảm, tỷ lệ việc làm mới tăng hàng tháng.
Do đó, các DN Việt Nam không nên bi quan mà phải tập trung chuẩn bị sẵn sàng cho việc nhu cầu phục hồi trở lại quý III, quý IV năm nay và đầu năm 2024. Còn trong lúc khó khăn như hiện nay, nếu DN rối trí và buông tay thì khi thị trường quay trở lại DN sẽ không thể kịp để bắt nhịp với tốc độ phát triển.