Thị trường rất “sáng”
Theo Bộ Công Thương, ước tính hết tháng 7/2023 Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Còn theo báo cáo từ ngành nông nghiệp, năm 2023 sản lượng thóc của Việt Nam có thể đạt trên 43 triệu tấn, sản lượng thóc quy gạo phục vụ cho xuất khẩu có khả năng đạt 8 triệu tấn.
Do đó, định hướng ngành xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay với các mục tiêu, đó là: tận dụng cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu hạt gạo Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, phải đảm bảo chất lượng, thương hiệu mặt hàng gạo, đảm bảo an ninh lương thực, tránh để xảy ra tình trạng sốt ảo giá gạo làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nông dân đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu.
Hiện nay, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm thu hoạch 1,47 triệu ha lúa hè thu, được giá cao và dễ tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, chưa bao giờ lúa hè thu được giá tốt, rất hấp dẫn cho nông dân như năm nay.
“Tùy theo loại giống, nếu như đầu vụ giá khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg thì sang tháng 7/2023 tăng lên 6.600 - 6.700 đồng/kg và nay tiếp tục tăng ở mức từ 6.800 - 7.200 đồng/kg”, ông Trung vui mừng chia sẻ.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh sản xuất hơn 75.000 ha lúa hè thu, những ngày qua nông dân các huyện đã thu hoạch hơn 60.000 ha, tất cả đều đảm bảo lợi nhuận tốt.
Tại An Giang, hơn 228.000 ha lúa hè thu, sản lượng dự kiến khoảng 1,37 triệu tấn, đang vào cao điểm thu hoạch. Rất nhiều tuyến kênh ở các huyện như Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên… đều có lúa, tuy nhiên một số doanh nghiệp lại khó thu mua trong lúc này vì giá lúa tăng liên tục.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) lo lắng, hiện nay giá lúa tăng chóng mặt, hồi tháng 7 các doanh nghiệp thu mua dưới 7.000 đồng/kg đã cao rồi, sang đầu tháng 8 này giá lúa có loại phải mua tới 7.400 đồng/kg.
“Dù giá cao nhưng doanh nghiệp thu mua vô cùng khó khăn và tiến độ chậm, từ đó bị động trong hợp đồng xuất khẩu. Hiện, công ty có tới 4 nhà máy chế biến gạo, công suất mỗi ngày hơn 2.000 tấn, trong tình thế giá lúa nội địa tăng hoài và khó thu mua, nên cần tính đến việc kéo giãn thời gian bán gạo cho đối tác nước ngoài”, bà Huyền nói.
Nói về giá lúa nội địa và gạo xuất khẩu tăng cao, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương (CT) cho rằng, nguyên nhân chính là từ sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Theo đó, ngày 20/7, sau khi Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu thì giá gạo ở Thái Lan có xu hướng tăng khoảng 5 USD/tấn, trong khi giá gạo Việt Nam tăng chậm hơn.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2023, thị trường gạo thế giới biến động mạnh theo chiều hướng tăng; giá gạo Việt Nam vọt lên mức 590 USD/tấn đối với gạo 5% tấm (cao nhất trong 11 năm qua) và tiến gần với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn). Riêng những đơn hàng giao trong tháng 8/2023 thì giá gạo của chúng ta đã vượt mức 610 USD/tấn (gạo 5% tấm).
“Với chiều hướng này, dự báo cả năm 2023, chúng ta sẽ xuất khẩu đạt hơn 7,5 triệu tấn là không khó, bởi 7 tháng đầu năm đã xuất 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD”, ông Đông nhận định.
Vụ lúa hè thu năm nay được giá cao, nông dân dễ tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới rất cao, giá tốt. Đây là thời cơ cho Việt Nam tăng tốc xuất khẩu mang về giá trị cao.
Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, tại cuộc họp về xuất khẩu gạo trong tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ CT cùng các bộ, ngành khác sẽ có cuộc họp, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.
Tăng diện tích, chớp thời cơ
Trước tình hình giá gạo trên thế giới tăng cao, trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp khó về thu mua lúa phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Như Cường - Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, đã khẩn trương điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ thu đông ở ĐBSCL tăng thêm 50.000ha (từ 650.000ha lên 700.000ha).
Tuy nhiên, những diện tích tăng này vẫn đảm bảo các điều kiện sản xuất, không ảnh hưởng lũ. Hiện, ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… khi thu hoạch xong lúa hè thu thì nông dân đã và đang xuống giống lúa thu đông. Các ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ bà con canh tác đảm bảo năng suất cao.
“Qua dự báo từ khoảng tháng 10 trở đi hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng sản xuất lúa. Song, chúng ta có giải pháp bố trí thời vụ phù hợp, quy trình canh tác, giải pháp thủy lợi… nên không lo lắng lắm. Về cơ bản, trong năm 2023 cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn, tăng 452.000 tấn.
Từ nay đến cuối năm nếu không xảy ra thiên tai bất thường thì năm 2023 việc sản xuất lúa gạo thắng lợi lớn. Do đó cần tận dụng thời cơ trong xuất khẩu gạo những tháng cuối năm”, Cục trưởng nhận định.
Theo khung thời vụ khuyến cáo, còn gần 10 ngày nữa nông dân Kiên Giang mới kết thúc lịch gieo sạ lúa thu đông 2023. Tuy nhiên, năm nay có nhiều thuận lợi, giá vật tư đầu vào hạ nhiệt, giá lúa hàng hóa đang tăng cao, đã tạo động lực để nông dân tích cực xuống giống. Đến đầu tháng 8, các địa phương trong tỉnh đã gieo sạ vượt kế hoạch gần 4.000ha, diện tích xuống giống đạt xấp xỉ 75.000ha.
Ngành nông nghiệp điều chỉnh tăng 50.000ha diện tích gieo sạ lúa thu đông, trước tình hình lúa gạo sốt giá.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch xuống giống với tổng diện tích 24.500ha. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống tập trung đợt 1 từ ngày 4-10/7 và đợt 2 từ ngày 2-8/8. Đến đầu tháng 8, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ lúa thu đông đạt 22.300ha, diện tích còn lại đang tập trung xuống giống, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, trời nắng nhiều.
Đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa thu đông trễ so với khung thời vụ, Sở NN&PTNT chỉ đạo cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8, tập trung sản xuất ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện chủ động bơm, thoát nước tốt để hạn chế nước lũ gây ngập úng.
Về biện pháp kỹ thuật, ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo, nông dân vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 20 ngày trước khi gieo sạ để tránh sinh vật gây hại và tránh ngộ độc hữu cơ.
Đảm bảo an ninh lương thực
Nói về tình hình sản xuất lúa gạo năm 2023, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, sẽ đảm bảo tuyệt đối về an ninh lương thực, điều này không phải lo. Đồng thời, sẽ cung ứng đầy đủ lúa gạo phục vụ xuất khẩu, nhất là trong điều kiện thuận lợi hiện nay.
Ông Nam cho rằng về lâu dài, để ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục điều chỉnh, thay đổi mạnh hơn nữa trong sản xuất, thu mua và xuất khẩu. Cần thấy rằng, cả nước đang có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và xuất khẩu gạo, thế nhưng đến nay số lượng doanh nghiệp có đầu tư “cánh đồng lớn”, bao tiêu vùng lúa nguyên liệu với nông dân, các hợp tác xã là rất ít.
Do đó, chỉ có khoảng 13% số nông dân trực tiếp bán lúa cho doanh nghiệp, còn lại đa phần tiêu thụ qua kênh thương lái. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó chủ động về thu mua lúa để xuất khẩu. Ngoài ra có khả năng xảy ra tình trạng giá lúa cao thì nông dân gây khó cho doanh nghiệp, còn giá lúa thấp thì doanh nghiệp gây khó cho nông dân.
“Thời gian tới, doanh nghiệp tham gia phải liên kết với các hợp tác xã một cách chặt chẽ từ sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch, xuất khẩu. Mạnh mẽ thay đổi việc sản xuất lúa gạo, giảm manh mún, nhỏ lẻ… tiến tới sản xuất tập trung, quy mô lớn, có đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng về phân khúc cho từng thị trường xuất khẩu khác nhau trên thế giới”, Thứ trưởng yêu cầu.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo, giá cao, nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực và đặc biệt là giữ thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Tuyệt đối không chạy theo số lượng mà lơ là chất lượng.
Bộ Công Thương đề nghị, các doanh nghiệp tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác. Tập trung khai thác nguồn hàng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường mới, có nhu cầu, còn nhiều tiềm năng và theo dõi chặt tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, nhằm chủ động ứng phó phù hợp.