Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kiện toàn, bổ sung thêm các thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc tại Bộ Công Thương, trong đó có các chuyên gia, hoạt động theo phương châm tinh gọn, sâu sát, chuyên nghiệp, chuyên trách.
Về luật pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm nhanh và chất lượng.
Trong đó, luật phải đảm bảo tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tập thể, giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ xin - cho, nghiêm cấm chạy chọt, cái gì doanh nghiệp làm được thì giao doanh nghiệp làm.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Thủ tướng lưu ý tất cả các bộ, ngành thấy cơ chế, chính sách nào để làm nhanh nhất, thuận lợi nhất thì đề xuất trước ngày 15/2. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phải tổng hợp, báo cáo Chính phủ để đề xuất cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Về tiến độ, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng "đường găng" tiến độ theo mục tiêu này.
Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, Thủ tướng yêu cầu EVN, PVN và các cơ quan ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài. Trong đó, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Việc xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư các nhà máy được xác định trên cơ sở đàm phán với các đối tác và cập nhật phù hợp với tình hình mới để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...
Minh Đức (t/h)