Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND tại các cơ sở kinh doanh: Tăng cường kiểm tra, xử lý

Admin
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội, những ngày qua, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thủ đô đã mở cửa đúng giờ quy định, trang bị đầy đủ thiết bị phòng dịch, nhắc nhở khách ngồi giãn cách 1m...

Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở chưa thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, một quán phở trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) đã lắp vách ngăn bằng mica trên bàn ăn để hạn chế sự tiếp xúc giữa các khách hàng. Ảnh: Nam Nguyễn

Những điểm sáng phòng dịch

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận nội thành cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh, đặc biệt là cửa hàng ăn uống, siêu thị... thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo đúng Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, cửa hàng Vinmart tại Khu đô thị Nam La Khê - Bông Đỏ, phường La Khê (quận Hà Đông) lắp tấm ni lông tại khu vực thu ngân nhằm ngăn giọt bắn từ đầu tháng 4 đến nay.

Chị Nguyễn Phương Thảo, tổ dân phố 6, phường La Khê thường xuyên mua hàng tại đây cho biết: "Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi rất ngại khi đi mua sắm tại các cửa hàng, đại lý. Tuy nhiên, đến cửa hàng Vinmart này, tôi thấy yên tâm vì ở đây ngoài trang bị nước sát khuẩn nhanh còn lắp tấm ni lông chắn giọt bắn".

Hoặc tại siêu thị Big C Thăng Long đã lắp tấm kính chắn tại khu vực thu ngân để ngăn giọt bắn. Siêu thị này cũng trang bị nước sát khuẩn tay, đánh dấu để khách hàng đứng đúng khoảng cách khi thanh toán.

Ghi nhận tại quán phở Trường Giang, số 32 đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), 100% bàn ăn được lắp tấm mica. Chủ quán Trần Quốc Hoàng cho biết: "Sau khi được UBND phường vận động, tôi đã lắp tấm mica giữa các bàn ăn để phòng dịch. Tuy phát sinh chi phí, nhưng tạo sự yên tâm, an toàn cho khách hàng".

Tương tự, từ ngày 30-4, quán phở Thịnh, số 39 Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) cũng lắp đặt vách ngăn bằng mica tại 10 bàn ăn; mỗi bàn được chia thành 4 phần riêng biệt. Chị Bùi Thị Hải Yến, một người dân ở phường Quốc Tử Giám chia sẻ: "Tôi rất yên tâm khi chủ cửa hàng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch".

Ông Dương Chí Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám cho biết, do nhiều hàng quán trên địa bàn có diện tích nhỏ hẹp, nên UBND phường đã vận động các chủ cửa hàng đầu tư lắp vách ngăn để tránh bị văng giọt bắn; đồng thời khuyến khích tăng cường việc bán hàng mang về nếu cửa hàng chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu phòng dịch.

Vách ngăn được lắp đặt ở quầy thanh toán tại siêu thị Big C Thăng Long nhằm bảo đảm an toàn giữa người mua và nhân viên. Ảnh: Lê Nam

Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, hiện có nhiều cơ sở kinh doanh ở Hà Nội vẫn vi phạm, như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách tối thiểu, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh... Cụ thể, tại quận Cầu Giấy, sáng sớm 1-5, quán phở Ngọc Vượng số 94 Nguyễn Chánh, khách ngồi san sát, nhân viên phục vụ không đeo khẩu trang. Sáng 1 và 2-5, quán phở bò Hằng Toan số 52 phố Cầu Am; phở Tiến Oanh, số 4 Hoàng Văn Thụ... (quận Hà Đông) rất đông khách nhưng không bảo đảm giãn cách, không có vách ngăn giọt bắn. Chủ quán và nhân viên đều không đeo khẩu trang.

Ngoài ra, còn có một dạng vi phạm khá phổ biến là nhiều cửa hàng không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng dù Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã cấm. Cụ thể, 8h-8h30 sáng 30-4 và 1-5, tại quận Đống Đa, các cửa hàng bán quạt điện tại số 7, 19, 20 phố Đông Các; nhiều cửa hàng điện máy dọc phố Nguyễn Lương Bằng đã mở cửa hoạt động. Trước 9h sáng 1-5 đã có nhiều cửa hàng bán các mặt hàng không thiết yếu mở cửa như cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, số nhà 119, quốc lộ 32; cửa hàng bán kính ở số 129 Cầu Diễn; cửa hàng bán phụ tùng xe máy, số 119 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm)...

Nguyên nhân chính của những vi phạm nêu trên, theo đánh giá của các địa phương, là ý thức kém của người dân đến mua sắm và người bán hàng. Chủ cửa hàng hầu như không nhắc khách ngồi đúng khoảng cách an toàn, không trang bị nước sát khuẩn tay... Bên cạnh đó, chính quyền một số phường còn thiếu kiên quyết trong xử lý, nên vi phạm tái diễn.

Đề cập về giải pháp khắc phục, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, UBND quận đã yêu cầu các cửa hàng ký cam kết phải trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị phòng dịch cho khách; các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa sau 9h sáng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm. "UBND quận tiếp tục chỉ đạo Công an quận phối hợp với các phường thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19" - bà Hòa nhấn mạnh.

Còn theo bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, đa số các cửa hàng trên địa bàn quận đều chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội tại các hàng quán vẫn chưa được thực hiện triệt để. Bà Dung khẳng định, trong thời gian đầu, các lực lượng chức năng đã hướng dẫn các cửa hàng thực hiện yêu cầu giãn cách, nghiên cứu các mô hình phòng dịch phù hợp; sau đó sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cửa hàng vi phạm quy định.

Để các chỉ thị của Chính phủ và thành phố đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để chủ cơ sở kinh doanh, người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm..., nhằm từng bước xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, văn minh.

Theo Hà Nội mới