7h ngày 12/8, chợ Cồn - khu chợ lớn nhất TP Đà Nẵng - vắng vẻ hơn hẳn so với những ngày cách ly xã hội trước đó. Ngoài cổng chợ, nhiều người dân đến từ sớm nhưng lại phải quay về vì không có thẻ. Một số tiểu thương cũng gặp khó khăn vì không thể nhập hàng về bán.
Sáng 12/8 là ngày đầu tiên chính sách đi chợ bằng thẻ theo ngày chẵn - lẻ của TP Đà Nẵng được áp dụng. Các hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày. Mỗi thẻ chỉ được sử dụng một lần ở khu chợ bất kỳ trên địa bàn.
"Mong bà con chúng ta thông cảm. Đây là chủ trương của UBND thành phố. Mời bà con chưa có thẻ về địa phương lấy thẻ đi chợ theo quy định", thành viên ban quản lý chợ liên tục nhắc lại qua loa phát thanh ở cổng chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Người mua sỉ gặp khó khăn
"Tổ dân phố họ chưa phát, răng mà có. Tôi vô mua một tí thôi. Tôi còn phải đưa đi chợ bán mà", bà Phan Thị Chanh (58 tuổi) phân trần với thành viên ban quản lý chợ.
"Mọi người về phường lấy thẻ rồi quay lại chợ. Đây là chủ trương chung, mọi người thông cảm, cố gắng chấp hành nghen", ông Trần Văn Dũng, bảo vệ chợ Cồn, kiên nhẫn giải thích với bà Chanh và nhiều người dân xung quanh, giọng hơi khàn đi vì phải nói liên tục từ 5h sáng.
Người dân phải xuất trình thẻ vào chợ ngày chẵn (thẻ hồng) để được đi chợ sáng 12/8. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Như thường ngày, bà Chanh (tổ 37, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đi chợ Cồn từ 7h sáng để nhập hàng về bán lẻ tại chợ siêu thị Nguyễn Kim. Đến chợ, bà bất ngờ khi bị bảo vệ chặn lại và yêu cầu xuất trình thẻ hồng. Bà vẫn chưa biết về chính sách mới này của thành phố.
Bà Chanh cho biết hôm qua (11/8), bà đi chợ đến 5h chiều mới về nhà, không cập nhật tin tức mà cũng không nghe ai nói. Người thân ở nhà cả ngày cũng không thấy có ai đến phát thẻ vào chợ như thông báo của người bảo vệ. Sáng nay, bà dự định nhập mấy cân cá khô và đậu phộng về bán mà không vào được, bà chưa biết phải làm thế nào.
"Nhập hàng về bán thì phải mua hàng ngày mới tươi, chứ 3 ngày mới đi chợ một lần thì không biết bán buôn sao", bà Chanh lo lắng.
Trong khu chợ, bà Phan Thị Cẩm Tú (47 tuổi), tiểu thương bán đồ khô, cho biết bình thường 6h là có khách đến nhập hàng về chợ nhỏ bán. Hôm nay, đến 8h sáng bà vẫn không thấy vị khách mua sỉ nào. Khách lẻ cũng ít hơn ngày thường.
"Giờ họ không vô được thì mình phải mang ra cổng cho họ thôi. Hơi cực một chút nhưng còn được. Vấn đề là nhiều khách sỉ cũng không biết số mình để gọi mà mang đồ ra", bà Tú cho hay.
Dự kiến làm thẻ nội bộ cho người mua sỉ
"Đông lắm anh, ùn ứ nhiều lắm", ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng ban quản lý chợ Cồn, báo cáo tình hình ở chợ với cấp trên qua điện thoại.
Từ ngày 11/8, khi thành phố chính thức thực hiện phương án đi chợ bằng thẻ, ông Hùng đã "đầu tắt mặt tối" để thu xếp cho phù hợp với chủ trương mới.
15 cổng ra vào khu chợ đều đóng lại, chỉ mở 2 cổng chính trên đường Ông Ích Khiêm và đường Hùng Vương để dễ kiểm soát. Toàn bộ lực lượng bảo vệ cũng được huy động để chốt chặn ở 2 cổng với các nhiệm vụ: Kiểm thẻ, đo thân nhiệt, khử trùng tay và đảm bảo giãn cách 2 m. Đặc biệt, một người được phân công làm nhiệm vụ giải thích, thông báo với người dân.
Vấn đề đầu tiên nảy sinh là nhiều tiểu thương mua sỉ về bán lẻ ở chợ Cồn ùn ứ tại cổng từ sáng vì không thể vào chợ nhập hàng. Ông Toàn đang tính toán phương án là sẽ làm một thẻ nội bộ riêng có xác nhận của Ban Quản lý chợ và tiểu thương chuyên bán sỉ. Với thẻ đó, các tiểu thương mua sỉ bên ngoài có thể vào nhập hàng mỗi ngày thay vì 3 ngày/lần.
Người dân cầm thẻ trắng vô chợ nên tổ bảo vệ phải hỗ trợ ghi tên, họ, địa chỉ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Khó khăn thứ hai là nhiều người dân, đa phần là người già, hầu hết chỉ cầm thẻ mà không ghi tên dẫn đến tình trạng ùn ứ ở cổng chợ. Tổ bảo vệ phải hỗ trợ những người dân này ghi tên, tuổi, địa chỉ nên việc vào chợ cũng mất thời gian hơn. Ông Hùng đề xuất các tổ dân phố nên chủ động ghi tên từng hộ lên thẻ để dễ kiểm soát.
Cuối ngày, các thẻ vào chợ này sẽ được Ban quản lý tổng hợp lại và lưu trữ theo từng ngày. Trong trường hợp có ca nhiễm/nghi nhiễm từng ra vào chợ, thẻ đi chợ này sẽ phát huy tác dụng trong việc truy vết của ngành y tế.
Theo Trưởng ban quản lý chợ, từ 5h-9h sáng nay, lượng khách ra vào chợ giảm 20-30% so với những ngày cách ly xã hội. Từ ngày Đà Nẵng bắt đầu tiến hành cách ly xã hội, lượng khách cũng đã giảm 30-40% so với ngày thường.
Mua sắm gấp 3 lần bình thường
Bà Lê Thị Hòa (64 tuổi) cho biết trước buổi đi chợ sáng nay, bà đã phải tính toán những thứ còn thiếu để mua đồ gấp 3-4 lần ngày thường. Ví dụ, thay vì mua 1-2 kg thịt ăn cho tươi, bà sẽ mua liền 3-4 kg để tủ lạnh, ăn dần trong 3 ngày. Riêng về những mặt hàng như rau, quả, bà cũng ưu tiên chọn những mặt hàng có thể để lâu hơn như: Bắp cải, súp lơ hay dưa hấu, bưởi... Bà chia sẻ nếu cần mua thêm gì mà không thể vào chợ thì bà sẽ qua siêu thị mua, do đó, cũng không cần tích trữ quá nhiều và chỉ mua những đồ cần thiết.
Diễn biến Covid-19 phức tạp trở lại
Tâm thư của Giám đốc Bệnh viện C gửi 700 bác sĩ
0
Khi Bệnh viện C Đà Nẵng dỡ phong tỏa, bác sĩ Thiện gửi tâm thư cám ơn 700 cán bộ, nhân viên và các bệnh nhân đã sát cánh trong 15 ngày gian khó.
Đường về nhà của nữ hộ lý đầu tiên mắc Covid-19 ở Đà Nẵng
0
Bà Loan, hộ lý tại Bệnh viện Đà Nẵng, ra viện sau 14 ngày điều trị và 4 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Đón bà là căn nhà quạnh vắng, người thân đi cách ly tập trung chưa về.
'Sự tận tụy của cán bộ khu cách ly hằn sâu trong chúng tôi'
0
"Sự tận tình, tận tụy, tậm tâm của anh em đã hằn sâu trong mỗi chúng tôi. Tôi cảm động, thương và trân trọng lắm", ông N.T.H. viết sau khi hết hạn cách ly tập trung.
Bên trong khu phố bị phong tỏa do có người mắc Covid-19 ở Tam Kỳ
0
TP Tam Kỳ, Quảng Nam, đã phong tỏa, cách ly đối với 2 khu dân cư trên địa bàn để phòng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau khi có ca dương tính virus SARS-CoV-2.
01:43
'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' vận động người dân cài Bluezone
0
Quảng Ninh mở chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để giúp người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, trang bị kiến thức phòng, chống dịch Covid-19.