Chốt kiểm soát Covid-19 tại Hà Nội. (Nguồn: KT&ĐT) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm).
Tính từ 17h ngày 2/9 đến 17h ngày 3/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.922 ca nhiễm mới, trong đó 28 ca nhập cảnh và 14.894 ca ghi nhận trong nước tại 34 tỉnh, thành; trong đó có 9.275 ca trong cộng đồng.
Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca.
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.344, tổng số ca được điều trị khỏi: 270.668.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 308 ca tử vong, tại TP. Hồ Chí Minh (250), Bình Dương (44), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.446 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Từ sáng nay, Hà Nội tăng cường 39 chốt kiểm soát tại "vùng đỏ"
Công an thành phố Hà Nội vừa có phương án triển khai các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại "vùng đỏ" (phân vùng 1), gồm hầu hết các quận nội đô.
Cụ thể, 39 chốt trực sẽ được triển khai từ 7h ngày 4/9 cho đến khi có chỉ đạo mới của thành phố. Các chốt sẽ trực 24/24h, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng đồng hồ.
Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra phân vùng 1; bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Lực lượng chốt trực sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra Giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh đó, các chốt trực có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết (do lực lượng y tế quyết định); kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Chi tiết các chốt kiểm soát ra, vào "vùng đỏ"
Trong 39 chốt, 21 chốt trực của thành phố (chốt trực loại 1) được đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao.
Mỗi chốt này sẽ gồm 16 cán bộ: 10 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố; 2 Thanh tra giao thông vận tải; 2 chiến sĩ Bộ tư lệnh thủ đô và 2 cán bộ Sở Y tế.
Chi tiết các chốt gồm: Cầu Thăng Long (đại lộ Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh - 2 chốt), cầu Diễn (đường 32, quận Nam Từ Liêm - 2 chốt), cầu Thạch Bích (QL21B, xã Bích Hòa, Thanh Oai - 1 chốt), cầu sông Đáy (Đại lộ Thăng Long cắt qua sông Nhuệ, xã Vân Côn, Hoài Đức - 2 chốt);
Cầu Mai Lĩnh (QL6, quận Hà Đông - 2 chốt), cầu Quán Gánh (QL1A, xã Nhị Khê, Thường Tín - 2 chốt), cầu Thanh Trì (vành đai 3, QL1A, chốt tại 2 đầu cầu - 2 chốt), cầu Vĩnh Tuy (2 chốt), cầu Chương Dương (3 chốt: 2 chốt chiều ra, 1 chốt chiều vào), cầu Nhật Tân (3 chốt: 2 chốt chiều ra, 1 chốt chiều vào).
9 chốt loại 2 được UBND quận, huyện đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình. Mỗi chốt có 9 người, gồm: 5 cán bộ công an, một Thanh tra giao thông, một cán bộ ban chỉ huy quân sự, một cán bộ y tế và một chính quyền địa phương.
Các chốt này đặt tại cầu sông Đáy (Đại lộ Thăng Long cắt qua sông Nhuệ, xã Vân Côn, Hoài Đức - 2 chốt), cầu Ngà (ĐT70A, quận Nam Từ Liêm - 1 chốt), cầu Khê Tang (đường trục phía Nam, xã Cự Khê, Thanh Oai - 2 chốt), cầu vượt sông Nhuệ (đường Trịnh Văn Bô, Nam Từ Liêm - 2 chốt), cầu Long Biên (2 chốt tại 2 đầu cầu).
9 chốt loại 3 của UBND xã, phương, thị trấn đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp. Mỗi chốt gồm 4 người, gồm: Công an xã/phường/thị trấn, lực lượng tự quản, y tế xã/phường và chính quyền địa phương.
Các chốt này đặt tại cầu gần cổng 1, khu đô thị An Lạc Green Symphony (Vân Canh, Hoài Đức - 1 chốt), Cầu 72 II (1 chốt), cầu Cù Sơn (đường Cù Sơn, xã Vân Côn, Hoài Đức - 1 chốt), cầu Tân Phú (đường tân Phú, xã Tây Phú, Quốc Oai - 1 chốt), ngã ba đê Tả Đáy (xã Cao Viên, Thanh Oai - 1 chốt), cống Liên Mạc (đường Liên Mạc - An Dương Vương, quận Bắc Từ Liêm - 2 chốt), cầu Qua (đường xóm sông Cầu, xã Khánh Hà, Thường Tín - 1 chốt), ngã ba đê Hữu Hồng - Trạm bơm Hồng Vân, xã Ninh Sở, Thường Tín - 1 chốt).
Chốt chống dịch ở TP. Đà Nẵng. (Nguồn: VNE) |
Đà Nẵng nới lỏng cách ly xã hội
Tối 3/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký quyết định chống dịch mới, thực hiện từ 8h ngày 5/9.
Theo đó, thành phố phân chia từng cấp độ nới lỏng các hoạt động xã hội theo từng địa bàn và mức độ nguy cơ (vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh). Người dân có thể truy cập vào hai ứng dụng của thành phố để biết nơi mình đang sinh sống thuộc vùng nào (covidmaps.danang.gov.vn và bit.ly/vungdovangxanh).
Đà Nẵng áp dụng cách ly xã hội "cao hơn chỉ thị 16" với người dân sống ở vùng vàng (bao gồm cả điểm xanh dân cư bên trong vùng vàng).
Người ra đường phải có giấy đi đường QR Code kèm theo giấy tờ tùy thân, thực hiện 5K, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, đeo tấm che giọt bắn khi giao tiếp; thực hiện nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến".
Người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc, nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn hoặc tổ dân phố; nếu đến nơi khác phải có giấy đi đường do UBND phường, xã cấp (mỗi gia đình được một người, tần suất 5 ngày/lần).
Các công ty thương mại đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini), các điểm bán hàng tại khu dân cư, điểm bán hàng tạm trong vùng vàng không được bán hàng trực tiếp cho người dân; chỉ được bán hàng thông qua đại diện tổ dân phố hoặc tình nguyện viên được giao nhiệm vụ "đi chợ thay".
Nhiều hoạt động xã hội ở vùng này được nới lỏng. Trong đó có ngân hàng (tối đa 40% người làm việc); cảng biển (tối đa 70% người làm việc). Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp được bố trí tối đa 50% người làm việc, nếu đáp ứng "3 tại chỗ" thì được tối đa 70% người làm việc; ngoài khu công nghiệp từ 30 đến 50%.
Shipper được hoạt động ở vùng vàng nếu đáp ứng các điều kiện đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19, thường xuyên mặc đồ bảo hộ của ngành y tế, đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, tấm che mặt trong suốt, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi nhận và giao hàng.
Người dân vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã khi 14 ngày liên tục không có ca nhiễm cộng đồng), được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày một lần. Mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi chợ và phải có giấy đi chợ QRCode do địa phương cấp. Khu vực bán hàng tại chợ phải có vách ngăn.
Người dân ở vùng đỏ là nơi phong tỏa cứng, phải thực hiện việc cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Laodong) |
TP. HCM chưa thể trả lời câu hỏi khi nào nới lỏng giãn cách xã hội
Chiều 3/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. HCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, cho biết ngày 2/9, Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố kiểm soát được dịch bệnh. Một vấn đề được đặt ra là sau khi kiểm soát được dịch, các địa phương này có thể mở cửa lại các hoạt động hay không.
Ông Phạm Đức Hải khẳng định: "Quận 7, huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch không đồng nghĩa với việc sẽ được nhanh chóng nới lỏng các biện pháp. Việc mở lại cần chờ đánh giá tổng thể tình hình dịch bệnh ở toàn TPHCM".
Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM chia sẻ thêm, hiện nay, thành phố chưa thể trả lời được câu hỏi, khi nào có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn địa bàn đang tiếp tục phấn đấu cho chặng đường dài từ nay đến ngày 15/9.