Nghị định 30 có gây cản trở doanh nghiệp?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi ngay một số quy định bất cập tại Nghị định 30/2021 của Chính phủ nhằm tháo gỡ ách tắc đối với tất cả dự án.
Liên quan đến đề xuất này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khẳng định, Nghị định 30 không hề gây khó khăn hay cản trở doanh nghiệp. Trái lại, Nghị định 30 còn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế khi phát triển nhà ở thương mại, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Khởi cũng cho biết trước đó, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến đầy đủ, không chỉ các địa phương mà gửi các hiệp hội, doanh nghiệp… trên cơ sở tiếp thu ý kiến, sau đó tổng hợp trình Chính phủ.
Nghị định 30 có nhiều nội dung. Trong đó, 4 điểm mới được sửa đổi đáng chú ý, bao gồm: các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở; quản lý nhà ở (trong đó có vấn đề phí bảo trì); quản lý việc bán nhà thuộc sở hữu của Nhà nước và giảm tối đa thủ tục hành chính.
Riêng vấn đề phát triển nhà ở - một trong những nội dung rất được quan tâm, ông Khởi cho biết khái niệm nhà đầu tư và chủ đầu tư được làm rõ hơn và đảm bảo sự minh bạch, chặt chẽ.
Một dự án có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia dự án, nhưng theo quy định của luật chỉ có một chủ đầu tư. Nghị định 30 quy định rõ nếu nhà đầu tư nhưng có đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án thì được công nhận đồng thời là chủ đầu tư.
"Không phải ông nào là nhà đầu tư cũng đương nhiên làm chủ đầu tư dự án được. Không đơn giản chỉ bỏ tiền, cũng không phải chỉ có đất thôi là đương nhiên làm chủ đầu tư dự án được mà phải đầy đủ các vấn đề năng lực thực hiện dự án, điều kiện như nào đã được quy định rõ", ông Khởi nhấn mạnh và cho rằng, việc quy định rõ để hạn chế tình trạng "nhà nhà làm bất động sản" rồi sau này rủi ro khách hàng gánh chịu.
Dẹp tình trạng "nhà nhà làm bất động sản"
Theo quy định của Luật nhà ở 2014, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện theo Luật nhà ở.
Mục đích đấu giá, đấu thầu, theo ông Khởi, nhằm chọn được chủ đầu tư có năng lực, cũng để đảm bảo được việc thu ngân sách. Đất ở thì sẽ được làm dự án nhà ở, còn tất cả các loại "đất khác" đều phải đấu giá khi làm dự án. Sau đó tại Nghị định 30 nêu rõ 3 tình huống: thứ nhất là đất ở; thứ hai là đất ở và các loại đất khác và thứ 3 là nhận quyền sử dụng đất ở.
"Vừa qua, xuất hiện các ý kiến trái chiều nhưng nếu đất gì cũng cho phép chủ đầu tư thì đâu cần hình thức đấu giá đấu thầu, cũng không đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước về phát triển nhà ở", ông Khởi nhấn mạnh.
Vấn đề này cũng được HoREA băn khoăn. Hiệp hội này cho rằng, cần bổ sung trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng loại đất khác không phải là đất ở cũng được chấp thuận công nhận làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Khởi, trước năm 2015 đã có những tranh cãi về vấn đề này. Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ "thả cửa" thì dẫn đến tình trạng "nhà nhà làm bất động sản", cuối cùng khách hàng lại gánh chịu rủi ro. Với những quy định tại Nghị định 30, ông Khởi cũng nhấn mạnh: Không có gì mâu thuẫn với Luật đầu tư, Luật nhà ở.
"Việc quy định như nêu trên hoàn toàn phù hợp, thống nhất, không có gì mâu thuẫn. Cũng không hề gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, thậm chí còn mở thêm ra", ông Khởi cho biết, nếu trong quá trình triển khai thực hiện thực sự phát sinh bất cập thì sẽ khảo sát đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng.
Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ thêm, điểm mới của Nghị định 30 cũng đưa ra những quy định rõ ràng để điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản, tránh việc phá vỡ kế hoạch phát triển nhà quá thiên về xây dựng nhà ở thương mại giá cao hoặc trung cấp.
Trước những trao đổi nêu trên từ phía Bộ Xây dựng, ngày 4/5, lãnh đạo HoREA lại tiếp tục có văn bản gửi Bộ Xây dựng.
HoREA tiếp tục bảo lưu những đề xuất trước đó. Đồng thời nhấn mạnh, nếu một quy định pháp luật chưa chuẩn, chưa chính xác, không thống nhất, không đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan và không phù hợp với thực tiễn thì có thể gây tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, gây hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản.
Theo lãnh đạo Hiệp hội này, cũng không có chuyện "Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp", mà các quy định pháp luật sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.