Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa hàng hóa vào tâm dịch

Kỳ Văn
Cùng với việc mở thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa, điểm bán hàng lưu động, tăng cường thu mua nông sản, động viên người dân giãn giờ mua sắm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ hàng hóa... nên đến thời điểm hiện tại, TPHCM và các tỉnh, thành phía nam đều không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

null

Điểm bán hàng lưu động được siêu thị Aeon Việt Nam triển khai. Ảnh: Aeon Việt Nam.

Thêm nhiều điểm bán hàng di động, thương mại điện tử được tận dụng tối đa

Thông tin từ Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía nam (Bộ Công Thương), tính đến sáng 4/8, toàn TPHCM có 204/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 7/106 siêu thị, 127/2895 cửa hàng tiện lợi hiện phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, một số chợ sau khi tạm ngưng để thực hiện phòng, chống dịch đã khôi phục hoạt động như: Chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A (ngày 19/7), chợ Hưng Long (22/7), chợ Thạnh Xuân (25/7), chợ Thái Bình (26/7), chợ Đa Kao (30/7), chợ Tân Thông Hội (ngày 31/7), chợ Bình Thới (1/8), chợ Thới An Quận 12 (1/8). Chủ yếu các chợ hiện nay chỉ kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

Ngày 3/8, người dân đến mua hàng tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở một số khu vực khá đông vào buổi sáng nhưng không còn tình trạng quá nhiều người xếp hàng do chính quyền địa phương vận động không tập trung quá đông người, chuyển bớt sang giờ chiều đến mua hàng. Một số siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến siêu thị nhằm bảo đảm thực hiện 5K.

Để tăng cường nguồn cung, kênh mua sắm hàng hóa cho người dân, giảm bớt áp lực lên các hệ thống phân phối hiện đại, Sở Công Thương TPHCM đã tham mưu UBND Thành phố bổ sung điểm cung ứng hàng hóa. Đến nay, toàn TPHCM có 108 điểm bán cố định, 509 điểm bán lưu động với 773 lượt xe. Thêm vào đó, 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất cả nước hiện nay là Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada đều đang tích cực triển khai cung ứng hàng hóa.

Tại tỉnh Tiền Giang, đến nay có 122/181 chợ truyền thống, 69/78 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 4/4 siêu thị và 5 cửa hàng Vinmart+ đang hoạt động. Giá một số mặt hàng tại chợ tăng nhẹ so với trước đây như hàng rau, củ tăng khoảng 2%; thịt, cá tôm các loại tăng khoảng 1%; trứng tăng khoảng 2%; các mặt hàng khác giá tương đối ổn định

Tại các tỉnh khác của khu vực miền Nam, sức mua ngày 3/8 tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, một số chợ truyền thống còn hoạt động ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, giá cả ổn định.

Đáng chú ý, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cũng thông tin về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch ở các tỉnh thành phía nam. Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai chương trình "Trạm hạnh phúc-Chạm yêu thương".

Theo kế hoạch, từ ngày 2-15/8, Viettel Post sẽ mời các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong cả nước quyên góp.

Từ ngày 5-19/8, các “Trạm hạnh phúc” sẽ được tổ chức tại 16 bưu cục của Viettel Post trên địa bàn TPHCM. Người dân đang gặp khó khăn có thể đến các “Trạm hạnh phúc” đặt tại 16 bưu cục của Viettel Post để tự chọn một gói quà thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Cũng thông qua chương trình kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Tổ công tác đặc biệt, dự kiến tỉnh Long An sẽ gửi 3 tấn thanh long cho chương trình “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” để làm quà tặng người dân khó khăn tại TPHCM.

Ngoài ra, Tổ công tác tiền phương phối hợp với Sở Công Thương các địa phương đã thực hiện kết nối nguồn nông sản tới hệ thống các siêu thị như thanh long của Long An.

Tới nay, các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bàn TPHCM đang tiêu thụ thanh long Long An với giá chỉ 16.000 đồng/kg. Sắp tới, hệ thống Aeon Việt Nam và MM Mega Market cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho các tỉnh phía nam.

Trước phản hồi của một số hệ thống phân phối như Bách Hóa Xanh, MM Mega Market về việc gặp khó khăn trong lưu thông trên đường của xe giao hàng và nhân viên khi đi qua các chốt phòng dịch tại một số địa bàn của tỉnh Bình Dương, Tổ công tác đã có trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương để nắm bắt tình hình. Kết quả là Sở Công Thương tỉnh Bình Dương sẽ đề nghị UBND tỉnh quán triệt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp yêu cầu các chốt kiểm soát thực hiện thống nhất toàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

thanh-long-1628079884.jpeg

Thanh long được bán tại Bách hóa Xanh. Ảnh: Báo Công Thương

Trên hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu

Nhận định tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất nhanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đặt ra 3 nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Thứ ba là duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Về việc cung ứng hàng hóa, Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía nam mà phải mở rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước. Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh bảo đảm trong mọi tình huống cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Cục Công nghiệp làm đầu mối làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… Từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại phải có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, vì vậy Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối, nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời đề ra giải pháp hoặc tham mưu chính sách phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.