Từng đạt kỷ lục chưa từng có trong cả nước về thu hút đầu tư FDI, một tỉnh miền Bắc sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Tuyết Trang
Tỉnh miền Bắc này được đánh giá có nhiều thế mạnh phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Chiều ngày 18/6, tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc cùng Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam về việc đồng hành cùng tỉnh trong hoạch định phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, thu hút đầu tư.

Theo đó, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp (KCN), tỉnh đã giới thiệu tổng quát về Khu kinh tế Thái Bình và các KCN trên địa bàn tỉnh.Trong đó. đi sâu vào cung cấp thông tin về những tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế chính sách ưu đãi và kết quả thu hút đầu tư của một số KCN như: Liên Hà Thái, Hải Long, Tiền Hải,...

Cùng với đó là những thông tin về quy hoạch, định hướng, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Đại diện Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho rằng, Thái Bình có nhiều thế mạnh về quỹ đất dành cho công nghiệp, nguồn năng lượng dồi dào, có hệ thống xử lý nước sạch và giao thông kết nối đồng bộ.

Mặc dù Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư FDI nhưng chưa có nhiều dự án về điện tử công nghệ cao thuộc ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip.

photo-1719222169514

Mục tiêu đưa Thái Bình trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, thủ phủ của ngành công nghiệp công nghệ cao.

Từ thực tiễn hoạt động của mình, các doanh nghiệp thành viên liên chi hội đã chia sẻ một số then chốt để có thể thu hút được các dự án công nghệ cao như mặt bằng sạch, diện tích đất đủ lớn, vị trí gần sân bay, cảng biển,...

Bên cạnh đó, Liên Chi hội bày tỏ mong muốn được đồng hành với tỉnh trong hoạch định phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, thu hút đầu tư hướng tới mục tiêu đưa Thái Bình trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, thủ phủ của ngành công nghiệp công nghệ cao.

Hướng mở cho tương lai tỉnh Thái Bình

Trong quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Thái Bình đã xác định tư duy phát triển mới với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ tổ chức không gian phát triển theo hướng hài hòa và bên vững, liên kết chặt chẽ với vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Theo đó, không gian phát triển của Thái Bình gồm 1 trung tâm (TP. Thái Bình và vùng phụ cận), 3 không gian kinh tế - xã hội (khu vực ven biển, khu vực ngoại biên và khu vực phía nam), 3 hành lang kinh tế (phía Đông, phía Tây Bắc và Đông Bắc - Tây Nam).

Hướng mở thứ hai, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ 4 trụ cột đưa Thái Bình tăng trưởng. Trong đó, nông nghiệp là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới xây dựng Thái Bình thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng.

photo-1719222424412

Tổng kết hết năm 2023 đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Thái Bình, cao nhất từ trước đến nay

Ngoài ra, trụ cột thứ hai là xây dựng Thái Bình thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng. Là địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

Nhấn mạnh về những kết quả nổi bật mà tỉnh Thái Bình đã đạt được, đặc biệt là kết quả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư công, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, đây chính là chìa khóa để Thái Bình mở ra cánh cửa mới và con đường mới để phát triển.

Phó thủ tướng tin tưởng, với vị trí địa lý thuận lợi, khả năng tiếp cận đất đai dễ dàng; sự quan tâm của nhiều thế hệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Thái Bình đang đi đúng hướng trong quá trình phát triển và sẽ có sự bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Điều này được thể hiện rõ hơn khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình trong năm 2023 thuộc nhóm đầu cả nước, ước thực hiện gần 6.300 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, năm 2023 tăng trưởng kinh tế của tỉnh có sự đóng góp rất ấn tượng từ hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tổng kết hết năm 2023 đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Thái Bình, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Chính thức đưa Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những con số và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình - một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.