Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có

Tuyết Trang
Thành tựu “thoát nghèo” và cả bài học chậm lớn của khu vực kinh tế tư nhân sau gần 40 năm Đổi mới đang đặt kinh tế Việt Nam vào ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có.

Thành tựu đi cùng với những giá trị nhân loại

Đổi mới làm nên những thay đổi quan trọng. Những con số về GDP, xuất nhập khẩu, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ đô thị hóa... đều là những con số chưa từng có trong lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam.

Giá trị của 40 năm Đổi mới của Việt Nam là sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)Giá trị của 40 năm Đổi mới của Việt Nam là sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Nguồn Báo Quảng Ngãi.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã khái quát thành tựu của 40 năm đổi mới kinh tế của Việt Nam một cách đầy tự hào. Trong đánh giá của vị chuyên gia đã trực tiếp có mặt, trải nghiệm và đóng góp không ít công sức ở những điểm mốc quan trọng của công cuộc Đổi mới, đất nước đã bước được qua ngưỡng cực kỳ quan trọng.

“Cho đến thời điểm này, ta đã có thể nói ‘hoàn toàn thoát nghèo’. Tất nhiên, vẫn còn một vài bộ phận ở ngưỡng nghèo đói, nhưng về nguyên tắc, 40 năm đã giải quyết được mục tiêu ‘đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm trong Di chúc của Người”, Tiến sỹ Thiên chia sẻ.

Không những thế, Tiến sỹ Thiên nhấn mạnh, mong muốn “sánh vai cùng các cường quốc 5 châu” của Người cũng đang đạt được, với những thành tựu lớn khi Việt Nam đã đi cùng với thế giới, chia sẻ trách nhiệm với thế giới.

“Chính vì đi cùng với những giá trị nhân loại mà Việt Nam trở nên cao lớn hơn rất nhiều. Người Việt đang nâng mình lên để đạt được những giá trị chung, những giá trị tốt nhất, những tinh hoa của loài người”, Tiến sỹ Thiên nói và nhắc đến đối tác chiến lược của Việt Nam là các quốc gia lớn nhất, quan trọng toàn cầu, là thành viên của các khối liên kết thương mại quan trọng, có vai vế... trên trường quốc tế.

Chia sẻ với người cùng thời, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gọi “quyết định đi cùng với giá trị của nhân loại này” là kết quả sống động nhất của quá trình đổi mới tư duy, chuyển đổi từ tư duy kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, sang tư duy kinh tế thị trường.

Ảnh internet.Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có. Ảnh internet.

Nhờ vậy, giá trị của 40 năm Đổi mới của Việt Nam là sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, là hiệu quả của vai trò Nhà nước trong nền kinh tế trong một không gian đổi mới, cải cách không ngừng để “thị trường, thị trường và thị trường hơn nữa”, Tiến sỹ Cung chia sẻ.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thành tựu thay đổi cơ chế theo hướng thị trường đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, nhất là khi vẫn còn có quốc gia chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, nghĩa là vẫn chưa đạt chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Lo ngại kinh tế Việt Nam vẫn trong khoảng không của bẫy thu nhập trung bình, xu thế tụt hậu xa hơn ở nhiều khía cạnh cơ bản với những nền kinh tế mà Việt Nam muốn đua tranh, muốn tiến kịp đang hiển hiện...

Đặc biệt, các chuyên gia đều đang nói đến thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn chưa đủ để xử lý các vấn đề phát triển, thể chế còn nhiều hạn chế, trói buộc, còn tắc nghẽn...

“Sau 40 năm, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã trở thành lực lượng cứu nguy cho nền kinh tế mỗi khi gặp khó khăn, vẫn phát triển kiên cường dù không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân lại vất vả, khó khăn...”, Tiến sỹ Thiên trầm ngâm.

Khát vọng Việt Nam giàu có

“Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Tôi tin chắc điều đó”. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nhắc đi nhắc lại câu này khi tham gia cuộc hội thảo bàn về hiệu quả nguồn lực tài chính phát triển kinh tế hồi cuối tháng 8/2024.

Không phải ngẫu nhiên ông nhắc đến điều này. Sự có mặt của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng các câu hỏi trực diện doanh nghiệp cần gì để phát triển, làm thế nào để huy động các nguồn lực, trong đó nhiều nguồn lực đang ách tắc, đặt ra cho ông rất nhiều kỳ vọng.

Hiện, ông và các đối tác đang tiếp tục chờ đợi thông tin về Đề án Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế mà họ đã ấp ủ từ năm 2014, đệ trình các cấp, các ngành từ năm 2016, có mặt ở nhiều hội thảo ở cấp địa phương đến Trung ương để trả lời hàng trăm câu hỏi suốt 8 năm qua.

Đặc biệt, tháng 10/2023, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng Đề án, ông đã hy vọng sớm có cơ chế, chính sách cụ thể...

Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có. Ảnh internet.Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có. Ảnh internet.

“Tổng số tài liệu mà chúng tôi tập hợp, nghiên cứu lên tới hơn 20 kg, chắt lọc thành 700 trang đề án, cô đọng lại thành 70 trang trình lên lãnh đạo các cấp. Điều chúng tôi muốn nói là chúng ta có rất nhiều chính sách, nhưng không có tiền, không có sự tham gia của nguồn lực từ khu vực tư nhân thì không thể thực hiện được. Tôi nói điều này 8 năm rồi, năm nay tôi cũng đã 73 tuổi, không còn nhiều thời gian... Mong Thủ tướng Chính phủ quyết liệt”, ông Hạnh Nguyễn giãi bày.

Đề án Trung tâm tài chính quốc tế mà IPP đề xuất dự kiến đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ huy động nguồn vốn lên tới 120 tỷ USD. Nhiều hơn thế, mô hình này sẽ tạo ra sự kết nối giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng huy động vốn của Việt Nam. Đặc biệt, đây là cơ hội thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị... và quan trọng là sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Để khởi động, ông Hạnh Nguyễn nói đã có văn bản cam kết đầu tư 10 tỷ USD, trong đó một nửa cho Trung tâm ở Đà Nẵng và một nửa cho TP. HCM. Các

Ông kể, đã gặp, nói chuyện với nhiều doanh nghiệp, thấy họ đang rất nỗ lực, tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp này đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số rất mạnh mẽ, vì đó là cơ hội kinh doanh, là thị trường trong tương lai của họ..., chứ không hẳn vì mục tiêu xanh.

“Các doanh nghiệp phải chuyển đổi vì khách hàng, đối tác của họ yêu cầu. Nhưng nếu cơ chế chính sách thúc đẩy tốc độ, hiệu quả các hoạt động này, gắn cơ hội của doanh nghiệp với các dự án, công trình, mục tiêu lớn của đất nước, thì đó chính là vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường”, Tiến sỹ Cung giải thích.

Thực tế, sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong suốt những năm Đổi mới đã góp phần định hình không chỉ dấu ấn hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn hiện thực hóa nhiều chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong tạo việc làm, tham gia vào các hoạt động an sinh, xã hội...

Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có. Ảnh internet.Việt Nam trước ngưỡng cửa của quỹ đạo thịnh vượng, giàu có. Ảnh internet.

Trong báo cáo của nhiều địa phương, bộ, ngành và cả Chính phủ, câu chuyện của Thaco, Vinfast trong ngành ô tô, Hòa Phát trong lĩnh vực thép, FPT trong công nghệ thông tin, Vietjet trong lĩnh vực hàng không, TH True Milk trong ngành sữa... hay được nhắc đến. Thậm chí, quá trình định hình con đường phát triển của nhiều địa phương, vùng kinh tế... có bóng dáng của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

Hiện tại, ông Cung cho rằng, chỉ cần cơ chế để doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế, gồm cả tập đoàn của nhà nước và tư nhân lớn đi cùng, tham gia giải các bài toán lớn của quốc gia là chìa khóa để mở ra không gian phát triển vô hạn cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhìn nhận, điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn tư nhân trong nước đủ sức đứng đầu chuỗi, dẫn dắt sự phát triển, kết nối được với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải quá khó, đó là giải bài toán về chi phí vốn, chi phí hoạt động, về môi trường kinh doanh bình đẳng, không xin-cho, không giấy phép con...

“Không có doanh nghiệp tư nhân nước nào chịu được lãi suất cao triền miên như ở Việt Nam, tính từ lúc Đổi mới đến giờ. Không có doanh nghiệp ở đâu chịu chi phí giao dịch trường kỳ cao như ở Việt Nam vì quá nhiều thủ tục hành chính. Nhận diện vấn đề không phải để chê bai, phê phán chính sách, mà để thấy nếu ta có một chính sách tốt hơn, giải pháp thiết thực hơn, thì khu vực này, nền kinh tế này sẽ còn tăng trưởng vững mạnh hơn nhiều! Đây là điều đã được nhận diện rõ và tôi mong sẽ được nhận diện rõ trong lần tổng kết 40 năm Đổi mới này”, Tiến sỹ Thiên đặt kỳ vọng.

Nhưng cũng chính điều này khiến giới chuyên gia và cộng đồng kinh doanh khuyến nghị, những chi phí, tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu khi khu vực doanh nghiệp khó lớn, chậm lớn, thậm chí không dám làm cần phải được các nhà hoạch định chính sách đặt lên bàn, để thảo luận cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế, đó là bước vào quỹ đạo làm giàu...

Theo báo Đầu tư (t/h)