Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn

Tình hình triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 rất thấp. Do đó, việc điều chỉnh vốn đầu tư từ các dự án không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án khác là cần thiết.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI tổ chức kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) ngày 13/11, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn vốn xổ số kiến thiết.

Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn- Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp

Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ điều chỉnh giảm 341 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn- Ảnh 2.

Cụ thể, tỉnh Bình Thuận điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, với số vốn là 271 tỷ đồng. Lý do, dự án đang vướng đền bù (khu vực Tân Quang Cường), hiện nay khối lượng thực hiện không đảm bảo để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Đồng thời, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của dự án 1 trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải với số vốn là 40 tỷ đồng. Lý do, dự án đang vướng đền bù, khối lượng thực hiện không đảm bảo để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Tỉnh Bình Thuận điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của dự án Chung cư sông Cà Ty (Tp.Phan Thiết) với số vốn là 30 tỷ đồng. Lý do, tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch, vì vậy không đảm bảo đủ khối lượng để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn- Ảnh 3.

Dự án đường Hòn Lan - Tân Hải.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh tăng 341 tỷ đồng để bổ sung cho 3 chương trình.

Cụ thể, điều chỉnh tăng 119,7 tỷ đồng, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đồng thời, điều chỉnh tăng 98 tỷ đồng để hỗ trợ đề án giao thông nông thôn và điều chỉnh bổ sung danh mục, mức vốn để hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông với số vốn hơn 123,3 tỷ đồng.

Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn- Ảnh 4.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Thuận, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn xổ số kiến thiết, tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Đến cuối tháng 10/2024, tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 toàn tỉnh rất thấp, đạt 46,4% (tỉ lệ giải ngân bình quân của cả nước đến 30/9/2024 là 47,75%). Bên cạnh đó, một số chương trình có khả năng giải ngân, nhưng thiếu vốn nên cần bổ sung vốn để triển khai thực hiện.

Do đó, việc điều chuyển vốn đầu tư từ dự án không thực hiện, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án, chương trình khác nhằm đảm bảo tiến độ và thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao là cần thiết..

Bình Thuận sẽ giảm 340 tỷ đồng của 3 dự án không đảm bảo khả năng giải ngân vốn- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đề nghị, sau kỳ họp này các đại biểu HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương và các cơ quan làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung Nghị quyết đến cử tri và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao để cùng thực hiện.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV (t/h)