Cấm cá nhân không được hoạt động môi giới bất động sản độc lập, có dẹp được nạn "thổi giá"?

Kỳ Văn
Bộ Xây dựng cho biết, đội ngũ môi giới bất động sản hoạt động thiếu chuyên nghiệp, nặng tính "chụp giật", kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài…

Nhiều môi giới bất động sản làm ăn "chụp giật"

Trong Báo cáo Tổng kết thi hành luật kinh doanh bất động sản năm 2014… đã công bố theo "Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản", Bộ Xây dựng nhận xét, hoạt động môi giới bất động sản là loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Việc cho phép môi giới bất động sản hoạt động với mô hình và quy mô phù hợp đã tạo ra một kênh phân phối bất động sản mới, qua đó giúp nhà đầu tư bất động sản rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn.

Cấm cá nhân không được hoạt động môi giới bất động sản độc lập, có dẹp được nạn "thổi giá"? - Ảnh 1.

Môi giới tham gia tư vấn cho khách hàng trong buổi ra mắt một dự án chung cư ở Hà Nội. Ảnh: T.K

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, đội ngũ môi giới bất động sản hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính "chụp giật", kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội "lách luật" trốn thuế.

Theo báo cáo của một số địa phương trên cả nước, tính từ năm 2008 đến thời điểm này có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới.

Cụ thể như: Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới bất động quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Tiếp nữa, Luật kinh doanh Bất động sản năm 2014 quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản. Như vậy, khi pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của họ. Do đó họ hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu.

Ba là, quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu), mức xử phạt này mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới.

Theo Bộ Xây dựng, ngoài việc sửa đổi và bổ sung thêm quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới…, phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập. Đồng thời, sửa đổi và bổ sung quy định về quản lý các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản, quy định về hình thức quản lý, quyền và nghĩa vụ của môi giới…

Kiến nghị cấm cá nhân hoạt động môi giới độc lập

Kiến nghị "siết" chặt các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản nhận được ý kiến đồng tình của giới chuyên gia, doanh nghiệp và chính những người đang hoạt động môi giới bất động sản.

Anh Nguyễn Văn Đại – Nhân viên môi giới một sàn giao dịch bất động sản lớn ở Hà Nội chia sẻ, môi giới bất động sản là nghề được nhiều người quan tâm, do tiền kiếm được từ các khoản tư vấn, hoa hồng sau các giao dịch thành công. Cũng chính sự hấp dẫn trên đã kéo theo nhiều người môi giới không chuyên, không có kiến thức… tham gia vào thị trường bất động sản.

"Trong các cơn "sốt đất" gần đây, có nhiều môi giới không chuyên nghiệp tham gia, gây nhiễu loạn thông tin, cá biệt có cả hoạt động thổi giá. Thực trạng này khiến cho những người môi giới bất động sản chuyên nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề", anh Đại chia sẻ.

moi-gioi-1634537703.png
Trong thời gian "sốt đất" đầu năm 2021 ở Thạch Thất (Hà Nội), nhiều người dân địa phương tham gia vào thị trường với vai trò "môi giới". Ảnh: T.K

Ở góc độ một lãnh đạo doanh nghiệp môi giới bất động sản, trao đổi với Dân Việt, ông Vương Đình Công - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần GoldCorp chia sẻ: "Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị về việc phải hoàn thiện quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, quy định cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập sẽ giúp hoạt động môi giới bất động sản chuyên nghiệp hơn".

Cũng theo ông Công, đối với những môi giới chuyên nghiệp làm việc tại sàn giao dịch, những tổ chức doanh nghiệp cụ thể sẽ được hoạt động và kiểm soát theo quy định của pháp luật. Điều này cũng tạo ra được sự tin tưởng đối với nhà đầu tư.

"Tôi cho rằng, đa số cá nhân hoạt động môi giới bất động sản độc lập thường thiếu chuyên nghiệp, không hướng tới giá trị lâu dài. Điều này dẫn tới các cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, chụp giật… lâu dài sẽ làm ảnh hưởng xấu tới thị trường bất động sản", ông Công nói

Nhìn nhận về chất lượng môi giới bất động sản, trao đổi với Dân Việt, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tuy lực lượng hành nghề đông, nhưng phần lớn trong số họ đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Trong số đó không ít hành nghề tay ngang, chớp nhoáng, chộp giật. Nếu so sánh với thế giới, môi giới bất động sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và đạt trình độ kém.

"Môi giới bất động sản tay ngang còn lại có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường. Làm thị trường suy yếu đổ vỡ nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án,lừa đảo khách hàng. Bằng dự án ma, ảo, bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính. Thậm chí lừa dối vô trách nhiệm với khách hàng, đối tác, chủ dự án bất động sản….", ông Đính dẫn chứng.