Đất cuối năm lại lên ‘cơn sốt’

Kỳ Văn
Thời gian gần đây, giá đất lại tăng chóng mặt, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do khan hiếm nguồn cung và có hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Các nhà đầu tư đang bắt đầu quay lại thị trường săn lùng đất nền, khiến nhiều vùng ven Hà Nội và các địa phương lên cơn “sốt đất”.

Giá đất “lên đồng”

Tại Hà Nội, một trong những khu vực có mức tăng giá mạnh nhất là khu vực ven sông Hồng.

Theo khảo sát, trên các tuyến phố Bắc Cầu, Thạch Cầu (quận Long Biên), xã Hải Bối (huyện Đông Anh)... vào những ngày gần đây đã có hiện tượng tăng giá đất đột biến.

Để chớp thời cơ sinh lời, nhiều nhà đầu tư còn sẵn sàng về tận nơi gom đất, lập "chốt", tư vấn 24/24h cho khách hàng tại các tụ điểm như quán cà phê, quán cơm bình dân...

Một môi giới tại quận Long Biên cho hay, giá đất tại đây đang có dấu hiệu tăng nhanh từ 30 - 50%, chênh khoảng 15 - 30 triệu/m2 so với hồi đầu năm. Nhiều nhà đầu tư, người dân sau khi nắm bắt được thông tin đã nhanh chóng xuống tiền, ồ ạt về đây mua bán.

Đơn cử, một mảnh đất rộng 40m2, ở ngõ 56 phố Thạch Cầu đang được rao bán với giá khoảng 2,1 tỉ đồng, tương đương với mức giá 50 - 52 triệu đồng/m2. Riêng mảnh nào có ngõ ô tô ra vào được thì phải rơi vào khoảng 60 triệu/m2.

Đất cuối năm lại lên ‘cơn sốt’ - 1

Cuối năm, nhà đất lại lên cơn "sốt".

Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều địa phương khác, giá đất cũng tăng chóng mặt.

Điển hình có thể kể đến phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) mới đây, có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng.

Hay tại Bắc Giang, phiên đấu giá 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang) thu hút đến 1.788 hồ sơ đăng ký. Được biết, khu đất rộng 12.900 m2 có tổng giá khởi điểm là hơn 137 tỷ đồng; các lô có diện tích khoảng 126 -180m2/ lô, giá khởi điểm từ 1,2 – 2,85 tỷ đồng/lô.

Theo báo cáo của batdongsan.com , so với năm 2020, mức độ quan tâm tới phân khúc đất nền tăng mạnh trên diện rộng như Hà Nội tăng 19%, Thái Nguyên tăng 123%, Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%...

Không chỉ ghi nhận về mức độ quan tâm mà phân khúc này còn chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về giá. Trong phạm vi cách Hà Nội 50km, giá rao bán đất nền miền Bắc đều ghi nhận tăng mạnh như Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%.

Cẩn thận sập bẫy đầu cơ

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao do sự khan hiếm nguồn cung cộng với thuế đất, giá nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công gia tăng.

Ông Đính cũng cảnh báo, với những người có nhu cầu tìm mua bất động sản thời điểm này cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường trước khi xuống tiền, tránh đổ xô vào những khu vực giá đất đang ở “đỉnh sóng”. Nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư sẽ dễ sập bẫy và “mắc cạn”.

Nhận định về những cơn "sốt" đất trong năm 2021, ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam cho rằng, việc sốt đất không chỉ do môi giới mà còn có các yếu tố như kỳ vọng của nhà đầu tư cả bên cung và bên cầu.

Trong đầu cơ, các nhà đầu tư thường muốn đi trước đón đầu, mua nhanh rồi bán lại, sau đó chính những nhà đầu tư này thúc đẩy câu chuyện tăng giá.

Savills Việt Nam cho rằng, thị trường nhà đất thời gian gần đây đồng loạt tăng giá chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực.

Để ngăn chặn sốt đất, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, theo ông Tùng người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.

Theo chuyên gia bất động sản, bản chất thị trường là phải có đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự thì giá trị đất mới tăng lên, chứ chưa đầu tư mà giá đã tăng mạnh thì đó là bất hợp lý.

Việc khó khăn trong tiếp cận các thông tin về quy hoạch đang vô tình tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng quy hoạch để đầu cơ, thổi giá bất động sản nhằm kiếm lời.

Đây cũng là khó khăn ở các địa phương, bởi để điều tiết giá đất thì còn cần sự vào cuộc của các bộ, ban ngành Trung ương trong việc tháo gỡ nút thắt trong phê duyệt dự án để tạo thêm nguồn hàng cho thị trường, bởi khi nguồn cung dồi dào thì giá ắt sẽ tự điều chỉnh.