Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ lỏng lẻo: Lỗi từ người "cầm trịch"
Kỳ Văn
20:31 24/06/2022
Thời gian qua, liên kết vùng đã được các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung Bộ quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, về cơ bản chưa phát huy được những ưu thế, chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước...
Nhiều tồn tại
Ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới".
Tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nơi đây có điều kiện giao thông thuận lợi so với các vùng của cả nước. Tài nguyên khoảng sản của vùng khá phong phú, vùng còn khá nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng từ gió, ánh sáng mặt trời…
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò "nhạc trưởng". (Ảnh: LĐO)
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW), kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn. 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách. Quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá. Các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng.
Đặc biệt, liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Lỗi từ người "cầm trịch"
TS. Trần Du Lịch cho rằng, cho dù liên kết phát triển giữa các tiểu vùng, vùng đang là nhu cầu thực tiễn, bức thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới nhưng thực tiễn hiện nay nếu không có những cơ chế điều phối đột phá từ Trung ương thì tồn tại này vẫn khó có thể khắc phục được trong thời gian tới.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, những tồn tại này bắt nguồn từ một số nguyên nhân quan trọng.
Một là, người "cầm trịch", có thể là của tiểu vùng, có thể là của vùng. Hay nói cách khác là quyền hạn, chức năng và bộ máy tổ chức, liên kết thích hợp. Nguyên nhân quan trọng thứ hai là sự lựa chọn. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, thì lựa chọn lĩnh vực nào mình ưu tiên để phát huy được lợi thế nhờ quy mô, chưa nói đến vấn đề liên kết, hội nhập, phát huy được thế mạnh, phát huy được sự cộng hưởng của các vùng. Hiện nay lựa chọn cho vấn đề gay cấn nhất, tạm gọi là người "cầm trịch", tức là tổ chức bộ máy và cơ chế, có rất nhiều hình thức có thể cho chúng ta xem xét.
Các đại biểu tham gia thảo luận. (Ảnh: TPO)
Thời gian vừa qua, các hoạt động diễn ra nhìn chung theo cơ chế tự nguyện. Ví dụ ĐBSCL gắn với sáng kiến của doanh nghiệp hay Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.
"Có thể mở rộng ra tất cả các vùng không? Đằng sau có tiểu vùng, hay là mỗi vùng lại có một cơ chế điều phối, hay một cơ chế điều phối chung cho tất cả các vùng? Hoặc chúng ta có thể lựa chọn một cơ chế chưa hoàn hoàn mang cấp hành chính nhưng quyền lực, quyền hạn để điều phối liên kết vùng rất mạnh như trường hợp của Hàn Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay khi vẫn còn chữ "Tôi", chữ "Anh" viết hoa, chưa thay đổi được, làm thế nào để chữ “Chúng ta” tốt cho cả chữ "Tôi", chữ "Anh", tốt dần cho cả chữ "Chúng ta"? Với cách đặt vấn đề như vậy có thể dần dần cơ chế liên kết vùng sẽ thực chất hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn cho cả chữ "Tôi" viết hoa, chữ "Anh" viết hoa, và chữ "Chúng ta" dần dần cũng viết hoa", ông Thành nói.
Cần nhiều giải pháp
Trước những tồn tại, hạn chế trên, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khuyến nghị, các vùng ở duyên hải miền Trung cần phải nhận thức rõ ràng sự cần thiết và những lợi ích tổng thể khi liên kết vùng, về vấn đề liên kết, tham gia liên kết là tự nguyện và vì lợi ích của chính mình.
Xây dựng cơ sở pháp lý cho liên kết vùng trên cơ sở bổ sung và hoàn thiện các luật đã có. Đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng quy hoạch tỉnh, vùng, ngành và quốc gia tời kỳ tới 2030 và tầm nhìn tới 2050 theo hướng đa ngành và tích hợp không chỉ từng địa phương mà còn cả vùng theo tình thần Luật Quy hoạch 2017.
Phân cấp hợp lý và minh bạch bởi kinh tế vùng, liên kết vùng chỉ có thể thực hiện được khi có quá trình phân cấp hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và thị trường với từng vùng cụ thể. Có thể nghiên cứu để thực hiện phân cấp cho hội đồng vùng quyết định tập thể.
Đưa ra một số gợi ý nhằm thúc đẩy liên kết vùng phát huy hiệu quả trong thời gian tới, nhóm tác giả thuộc Viện Kinh tế xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, cần hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng, trong đó trao thẩm quyền cho Ban Điều phối vùng trong việc phân bổ, theo dõi, đôn đốc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của vùng và địa phương.
Tăng cường sự liên kết trong công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, vùng và quốc gia.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của tiểu vùng thông qua tăng cường liên kết thu thút đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển và cảng hàng không trên địa bàn tiểu vùng.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở tiểu vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác khai thác, sử dụng tài nguyên và giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường và ứng với biển đối khí hậu tại Tiểu vùng.
Ngoài ra, cần liên kết hình thành cơ sở dữ liệu vùng bởi đây sẽ là công cụ thông tin hỗ trợ đặc lực cho tăng cường liên kết tiểu vùng trong thời gian tới; là nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quy hoạch, lập kế hoạch và giám sát thực hiện kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển vùng..