'Mua tin' hay khen thưởng cho người cung cấp nguồn tin phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tuyết Trang
Tội phạm tham nhũng chủ yếu là những người có chức, có quyền, yếu tố “mua bán” như thị trường cần phải cân nhắc.

Trong dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Bộ Tài chính đề xuất ngân sách chi tối đa 50 triệu đồng/tin khi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Theo dự thảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quyết định mức chi cụ thể dựa vào nội dung, tính chất của nguồn tin được cung cấp. Trường hợp đặc biệt, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tập thể thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét quyết định. Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn khác theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin giúp cho cơ quan phòng, chống tham nhũng hoàn thành tốt công việc nên được ủng hộ. Điều này cũng tạo điều kiện để người dân tham gia việc giám sát, phát hiện và phản ánh các hành vi tham nhũng, từ đó giúp các cơ quan kiểm tra, đánh giá và xử lý theo từng mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, điều này nên thể hiện dưới hình thức khen thưởng: “Tố giác hành vi tham nhũng là sự tự nguyện, tự giác của cá nhân, hoàn toàn không có chuyện “mua và bán”. Cho nên tôi nghĩ theo hướng nên là chính sách thưởng. Để đảm bảo bí mật của người cung cấp nguồn tin, bảo vệ nguồn tin của mình thì nên có chế độ bí mật Nhà nước trong việc thực hiện thưởng. Nếu nguyện vọng của cá nhân đó muốn giữ bí mật về danh tính, có cơ chế như thế thì hay hơn là hiện nay chúng ta sử dụng cụm từ “mua tin”".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương cho rằng, tội phạm tham nhũng chủ yếu là những người có chức, có quyền, việc phòng chống tham nhũng, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, chủ động tố giác những người có hành vi tham nhũng là trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Do đó, đây là vấn đề cần được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, tránh làm nảy sinh thêm bất cập và có yếu tố “mua bán” như thị trường, chưa kể việc xác minh thông tin đó là chính xác hay không cũng mất nhiều thời gian.

“Hiện nay chúng ta đã quy định việc khen thưởng cho những người tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là báo tin. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng một cơ chế khen thưởng đặc biệt, chúng ta vẫn sử dụng một số tiền động viên, có thể tương đương số tiền chúng ta dự định mua tin thì sẽ chính xác hơn nhiều. Các cơ quan chức năng sau khi xác minh và thấy rằng sự đóng góp ấy là rất tích cực thì sẽ có hình thức khen thưởng. Theo tôi chúng ta nên rà soát và có một quy chế đặc biệt cho đối tượng mà có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng thì tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Theo VOV.vn (t/h)