Nhận diện "điểm nghẽn" khiến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chậm phát triển

Admin
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu một số “điểm nghẽn” then chốt vẫn chưa được khắc phục đang làm hạn chế sự phát triển của công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh

Tại hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2023 ngày 12/9 tại Đà Nẵng,ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nêu một số “điểm nghẽn” then chốt của công nghiệp (CN), đặc biệt là các ngành CN chế biến, chế tạo vẫn còn chưa được khắc phục.

hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2023 trong khuôn khổ hội chợ triển lãm CNHT và chế biến chế tạo TP Đà Nẵng năm 2023 (do Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức từ ngày 12 – 14/9)

Hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ năm 2023 trong khuôn khổ hội chợ triển lãm CNHT và chế biến chế tạo TP Đà Nẵng năm 2023 (diễn ra từ ngày 12 – 14/9).

Điểm nghẽn đầu tiên chính là nội lực của nền CN còn yếu. Dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ của nền CN trong nước, đặc biệt là các ngành CN chế biến chế tạo hiện còn thấp so với yêu cầu của một nước CN. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CN trong nước chưa cao; trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất còn rất thấp.

“Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm CN thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó chưa hình thành được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước, đa số doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Tăng trưởng năng suất lao động của CN chế biến, chế tạo trì trệ và thậm chí giảm sút trong khoảng 2 thập kỷ gần đây”, ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.

Cùng với đó, CN Việt Nam phát triển mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Điều đó thể hiện ở chỗ CN nặng là ngành tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, là động lực quan trọng nhất thúc đẩy CN hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh và bền vững nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.

CNHT còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành CN nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

“Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Đáng chú ý, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong CN Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam.

Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.

Thêm một “điểm nghẽn” nữa là phát triển CN hiện nay chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị CN. Hầu hết các địa phương không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển CN. Phân bố khu CN và khu kinh tế chưa tạo động lực và điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm ngành CN, chuỗi giá trị và liên kết ngành.

Hạn chế trong chính sách

Theo Cục CN, Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành các luật về một số ngành CN đặc thù như Luật Dầu khí, Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản. Tuy nhiên đối với các ngành CN chế biến chế tạo (trong đó có CNHT) chưa có một đạo luật chuyên ngành để thúc đẩy phát triển; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để điều chỉnh cũng rất hạn chế. Hiện chính sách thúc đẩy phát triển ngành CNHT chỉ mới được ban hành ở văn bản dưới luật, cụ thể là Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu lên những "điểm nghẽn" then chốt làm hạn chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo của nước ta hiện nay.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Đối với hầu hết các ngành CN chế biến, chế tạo khác (như dệt may, da – giày, ô tô, cơ khí…), Nhà nước chỉ mới quản lý trực tiếp chủ yếu thông qua các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và gián tiếp thông qua các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác (như các lĩnh vực về đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, việc làm, thuế, tín dụng…).

“Tuy nhiên, các chiến lược, quy hoạch này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó thiếu cơ sở vững chắc để triển khai cũng như giám sát, đánh giá kết quả đạt được trong quá trình phát triển các ngành CN chế biến, chế tạo”, Cục trưởng Cục CN Phạm Tuấn Anh nhận định.

Theo ông, việc quản lý phát triển CN chế biến, chế tạo gián tiếp thông qua các pháp luật chuyên ngành khác (đặc biệt là hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đất đai…) tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong quá trình áp dụng, và đặc biệt là không có các cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho các ngành CN để khuyến khích phát triển.

Vì vậy, việc chưa có khung pháp lý đủ mạnh (ở cấp Luật) để quản lý, phát triển CN chế biến, chế tạo là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách CN quốc gia trong thời gian qua chưa đạt được những kết quả như mong đợi.

Chính sách khoa học công nghệ chưa tạo đột phá

Trong các hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong hệ thống chính sách phát triển CN hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn chỉ rõ, chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành CN chưa đồng bộ với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển CN quốc gia. Đồng thời kể từ ngày 1/1/2019 khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành thì toàn bộ hệ thống chiến lược, quy hoạch phát triển CN đều hết hiệu lực pháp lý.

Cùng với đó, chính sách phát triển CNHT còn thiếu đồng bộ, tính khả thi thấp. Đặc biệt, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển CN chưa có sự đột phá. Nguồn đầu tư của xã hội cho phát triển CN phụ thuộc ngày càng nhiều vào nước ngoài.

“Chính sách phát triển các doanh nghiệp CN còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa xác định đúng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện chính sách phát triển CN. Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành CN thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa gắn với nhu cầu”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng chính sách thu hút FDI hiện nay chưa có định hướng thu hút các công ty nước ngoài có thể lan tỏa công nghệ một cách phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu CN của quốc gia; đồng thời phân cấp thẩm quyền cấp phép các dự án FDI không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, chính sách khoa học và công nghệ chưa thực sự tạo ra những đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững ngành CN. Các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị khoa học và công nghệ chưa phát huy được nhiều vai trò trong việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng và cải tiến công nghệ cho CN.

“Các Sở Công Thương ở các tỉnh, thành hiện nay vẫn chủ yếu hoạt động theo mô hình quản lý hành chính nhà nước đơn thuần chứ ít có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp CN trên địa bàn”, ông Phạm Anh Tuấn nêu.