Nhiều cơ hội kinh doanh trên nền tảng số, giới trẻ đừng nghĩ 'chỉ biết đi làm thuê'

Trong bối cảnh Việt Nam chưa nhiều doanh nghiệp, sinh viên, thanh niên có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, thế hệ trẻ không nên chỉ dừng lại ở việc làm thuê, cần tập trung khởi nghiệp, đặc biệt ở những lĩnh vực mũi nhọn.

Hỗ trợ 20 triệu thanh niên kinh doanh số

Thông tin được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại lễ công bố chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” sáng ngày 20/12 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh doanh số đã trở thành một xu hướng không thể bỏ qua.

Đối với Việt Nam, một quốc gia có dân số trẻ và đang trên đà phát triển, kinh doanh số mở ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt đối với thanh niên - lực lượng nòng cốt của sự đổi mới và sáng tạo.

Thanh niên Việt Nam, với sự nhanh nhạy và linh hoạt, đang dần trở thành lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy kinh doanh số. Số lượng các startup công nghệ và dự án kinh doanh số do thanh niên sáng lập đang ngày càng tăng, minh chứng cho khả năng sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp và cơ hội vươn mình trở thành những doanh nhân kinh doanh số thành công.

Tuy vậy, thanh niên Việt Nam cũng như các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ đang đối mặt với nhiều thách thức, như: năng lực về nguồn lực tài chính, nền tảng, công nghệ, kỹ năng quản lý, cho đến việc kết nối và hội nhập với thị trường toàn cầu…

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cùng các bên ký kết chương trình hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam.

Chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” là một dự án tổng thể nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, với mục tiêu nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, các doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cùng các đơn vị liên quan tổ chức và triển khai. Dự kiến chương trình kéo dài trong 5 năm, từ 2024-2028.

Thanh niên, sinh viên tham gia chương trình được hỗ trợ tài liệu, pháp lý, chính sách, hệ sinh thái cho các dự án khởi nghiệp. Kết nối các nguồn lực hỗ trợ từ các bộ ban ngành, nền tảng, công nghệ, chính sách, nguồn vốn… Hỗ trợ công nghệ, tặng phần mềm quản lý, số hóa các hoạt động bán hàng.

Tham dự chương trình, sinh viên, thanh niên cũng được tiếp cận các chương trình đào tạo, tư vấn xuyên suốt cũng như các sự kiện online, offline kết nối và xúc tiến thương mại.

Cơ hội khởi nghiệp rất lớn

Đánh giá cao ý tưởng chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tạo công ăn việc làm cho học sinh, sinh viên và đặc biệt là vấn đề khởi nghiệp. Hoạt động giáo dục và đào tạo đang đổi mới từng ngày, trong đó có 2 nội dung quan trọng: dạy làm người và dạy làm ăn.

“Thời điểm hiện nay mang đến nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp, thể hiện ý tưởng. Đất nước đang trong quá trình chuyển đổi và phát triển. Các công ty, doanh nghiệp nước ngoài từ nhiều quốc gia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh và kết nối. Là thế hệ trẻ, các bạn cũng cần nắm bắt cơ hội này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

 

Tôi cũng gặp nhiều bạn sinh viên theo học ở nước ngoài, các bạn băn khoăn, trăn trở về việc ở lại hay về nước làm việc. Tôi khuyên các bạn, tất nhiên ở đâu phát huy tốt nhất khả năng của mình thì làm nhưng cần nhớ một điều: Việt Nam đang là đất nước phát triển, các cơ hội để các bạn thể hiện mình, cơ hội để khởi nghiệp là rất lớn, lớn hơn rất nhiều các quốc gia phát triển hơn

Vấn đề là các bạn có dám làm hay không, hay chỉ suốt đời làm thuê với 1 vị trí cố định? Dù là công việc tốt hay chưa tốt nhưng là thế hệ trẻ không nên chỉ dừng lại ở việc làm thuê. Đất nước với 100 triệu dân nhưng số lượng doanh nghiệp còn rất ít”, người đứng đầu Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến những lĩnh vực mũi nhọn như CNTT, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn…

Tuy vậy, theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, muốn khởi nghiệp thành công, thế hệ trẻ rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp. Chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” được phát động hôm nay là sự hỗ trợ, kết nối rất quan trọng.

Sự hỗ trợ khởi nghiệp có thể từ góc độ vốn, chính sách nhưng trong giai đoạn đang chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Còn việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho thanh niên về kinh doanh trên nền tảng số sẽ giúp các bạn khởi nghiệp có cơ hội kết nối rộng rãi không giới hạn.

“Sự hỗ trợ bài bản là điều rất quan trọng cho sinh viên, thanh niên khởi nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Hi vọng chương trình sẽ đi vào thực chất, bền vững và có hiệu quả thực sự”, Bộ trưởng nói.