Theo các quyết định, Quảng Ninh có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP. Hạ Long, TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, TP. Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh; Lễ mừng cơm mới của người Tày TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, TP Đông Triều, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn; Lễ hội Bạch Đằng; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà; Lễ hội đình Vạn Ninh; Lễ hội Xuống đồng). Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển KT-XH, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa.
Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè bốn phương.
Trần Trang (t/h)