Tân Hoàng Minh 'tháo chạy' khỏi đất đấu giá Thủ Thiêm: Những 'kịch bản' xấu cho thị trường bất động sản?

Kỳ Văn
Chuyên gia khẳng định, Tân Hoàng Minh sau khi trúng đấu giá lại chấp nhận bỏ cọc sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn tới thị trường bất động sản, gây khó cho việc đấu giá sau...

Vụ trúng đấu giá lô đất có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỉ đồng (tính ra 2,45 tỉ đồng/m2) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) của Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã gây "choáng" cho giới đầu tư và xôn xao trong dư luận suốt thời gian qua. Đặc biệt, vụ đấu giá này tiếp tục "nóng" bởi thông tin ông Đỗ Anh Dũng,

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh Báo Đầu tư

Bất động sản Thủ Thiêm đi vào ngõ cụt?

Với việc "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh này, Ngân sách Nhà nước sẽ không thu được khoản tiền 24.500 tỉ đồng trên. Đồng thời, kéo theo hàng loạt các hệ lụy khác từ vụ hủy cọc của Tân Hoàng Minh.

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu, vì mức giá đó là bất hợp lý.

Về những tác động của việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán, mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác".

Tân Hoàng Minh 'tháo chạy' khỏi đất đấu giá ở Thủ Thiêm: Lo ngại 'kịch bản' xấu cho thị trường - Ảnh 2.

Giá bất động sản xung quanh Thủ Thiêm sẽ có nhiều tác động từ vụ bỏ cọc đất đấu giá của Tân Hoàng Minh. Ảnh minh hoạ: Hồng Hương

Về hệ lụy cho thị trường bất động sản, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ.

"Thực ra, trong những ngày vừa qua, những người bán đất Thủ Thiêm "hét" giá tăng 30,40 đến 60%, đẩy thị trường bất động sản nơi đây vào ngõ cụt. Vì giá bị đẩy lên trên cao, chẳng ai mua, mà cũng không ai bán.

Bên cạnh đó, người mua cũng như người bán đều lắng nghe cả. Người bán xem có bán có hớ không? Người mua càng thấy mình phải "lắng nghe" nhiều hơn vì tự dưng phải bỏ ra một đống tiền thì lại tăng vậy xem có vô lý không?", ông Thịnh nêu.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. Kết quả đấu giá không chỉ người dân hay nhà đầu tư mà Chính phủ và Nhà nước thấy vô lý.

"Chúng ta cần xem xét việc đặt cọc đã ổn chưa? Việc mà xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn", ông Thịnh nói.

Thực tế, theo khảo sát của Dân Việt, sau sự kiện đấu giá đất "khủng" ở Thủ Thiêm, mặt bằng giá ở TP Thủ Đức đã tăng mạnh, các chủ nhà đất cũng đang rao bán các sản phẩm căn hộ, đất nền mới mức giá tăng 15-20%. Chẳng hạn, trên trục đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi đã tăng khoảng 150 triệu đồng/m2, từ mức 300 - 350 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 450 - 500 triệu đồng/m2.

Tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, Đảo Kim Cương trước kia được giao dịch 160 - 164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200 - 250 triệu đồng/m2…

Bất lợi cho sự phát triển bền vững thị trường bất động sản

Chỉ ra lo ngại hệ lụy về kết quả trúng đấu giá quá cao ở Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, kết quả trúng đấu giá 4 lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm (TP.HCM) có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Tiếp đó, việc một số doanh nghiệp có thể "lợi dụng" giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh "vống" giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm, "rút ruột" ngân hàng, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính.

Cũng theo ông Châu, đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau" gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại TP.HCM.

thu-thiem-1641950964.jpg
4 lô đất ở Thủ Thuêm được đưa ra đấu giá tháng 12/2021. Ảnh: Quang Duy

Quan ngại về việc giá trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể "gây khó" cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn thành phố và "gây khó" cho cán bộ công chức tham gia trực tiếp công tác xác định tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại.

Lo ngại cuối cùng được Chủ tịch HoREA nêu ra là việc phiên đấu giá với giá trúng quá cao ở Thủ Thiêm làm giảm tính "hấp dẫn" của thị trường bất động sản tại TP.HCM, nay bị "mang tiếng" là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là các "sếu đầu đàn" để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng quan điểm lo ngại hệ lụy như Chủ tịch HoREA đã nêu trên, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng khẳng định, sau khi đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỉ đồng/m2, nếu như doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá lại chấp nhận bỏ cọc, không đóng đủ tiền thì sẽ đối diện với nhiều hệ lụy.

"Một mặt kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỉ đồng/m2 này ngoài việc mang lại một số lợi ích còn có những mặt tiêu cực, hạn chế, có khả năng xảy ra đối với giá đất và thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến người dân khi giá đất ở các dự án sẽ có nguy cơ tăng cao tạo ra sự bất ổn cho thị trường sắp tới", luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận.

Ngoài ra theo luật sư Trương Anh Tú, giá đất thị trường biến động theo chiều hướng ngày càng tăng cao và không giảm sẽ gây nhiều tác động về mọi mặt kinh tế xã hội và nhu cầu nhà ở của đại bộ phận dân cư sẽ không được đáp ứng.

"Khi các căn hộ "siêu cao cấp" tại các khu đất vàng mọc lên, sẽ đẩy giá cao ngất ngưởng chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ trong xã hội là giới siêu giàu. Trong trường hợp này, nếu thực tế các dự án này triển khai thì rất khó đoán định được giá các căn hộ, dự án đó sẽ bán được cho ai hay khi xuất hiện trên thị trường nó sẽ tự được điều chỉnh bởi nhu cầu thật của thị trường", luật sư Trương Anh Tú nói.