Lãi suất huy động thấp kỷ lục, tiền vào ngân hàng giảm mạnh
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 4/2021, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Tiền gửi dân cư tại các TCTD tháng 4/2021 chỉ tăng 2,34%.
Trước đó, cùng kỳ những năm 2013 và 2014, khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao, từ 7-9%/năm thì tăng trưởng tiền gửi của dân cư tại các TCTD từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt chỉ còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tháng 4/2021 chỉ tăng 2,34%.
Gửi tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh nhưng với mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Theo thống kê, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5%. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục nên dòng tiền trong dân cư lại lựa chọn các kênh đầu tư có lợi suất khác cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản...
Tiền ùn ùn ‘đổ’ vào chứng khoán
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 140.193 tài khoản chứng khoán, tăng thêm 26.519 so với tháng 5. Trong số đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 140.054 tài khoản, còn các tổ chức mở mới chỉ 139 tài khoản.
Có 620.683 tài khoản chứng khoán được mở mới trong 6 tháng đầu năm |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với năm 2020, thậm chí con số trên còn cao hơn cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại.
Có thể nói, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán trong thời gian gần đây là xuất phát từ nhiều yếu tố như lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng thấp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại sau Nghị định 81, kênh đầu tư vàng trong nước dường như ‘đóng băng’… và chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian gần đây.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán cho biết, mặc dù đầu tư vào chứng khoán lợi nhuận không nhiều nhưng lại là kênh kiếm tiền nhanh, là kênh đầu tư hợp pháp và khá an toàn. Ngoài ra, đây cũng là kênh dễ vay tiền đòn bẩy hơn các kênh đầu tư khác.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian gần đây, số thu thuế trong lĩnh vực chứng khoán tăng lên nhiều.
Dẫn chứng là Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, số thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán tăng đột biến 221,3%. So với các khoản khác thì tốc độ thu thuế chứng khoán tăng vượt nhiều lần.
Thêm 1 số liệu nữa từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, từ cuối quý 1/2020 đến nay, dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên gần gấp 3, đạt gần 110.000 tỉ đồng. Vốn hóa 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM đã gần bằng GDP của năm 2020.
Rút tiết kiệm để mua nhà, đất?
Không riêng lĩnh vực chứng khoán, theo số liệu công bố từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.
Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2021, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng khoảng 4.500 tỷ đồng. |
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, dù tổng vốn FDI giảm, nhưng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản lại gia tăng, đạt 1,15 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn lớn nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm.
Dữ liệu trên chứng tỏ, thị trường bất động sản dù gặp nhiều trở ngại từ dịch Covid-19 nhưng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lớn.
Đối với nhà đầu tư trong nước, lãi suất ngân hàng giảm cũng là một trong những yếu tố để dòng tiền dân cư chuyển dịch sang mua nhà, đất thay vì gửi vào ngân hàng.
Bởi theo các chuyên gia, mặc dù dịch bệnh gây khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung, nhưng với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy cơ hội trong khó khăn.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm bất động sản ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp; các dự án có pháp lý rõ ràng….
Nhu cầu mua vàng của người Việt rất lớn
Mới đây, Hội đồng vàng thế giới (WGC) đã thực hiện khảo sát về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam vào tháng 3/2020, được công bố tại Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vào hồi cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng là rất lớn khi người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.
Khảo sát của Hội đồng vàng thế giới cho biết, nhu cầu mua vàng của người Việt rất lớn. |
Cụ thể, trong số 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát cho thấy, 68% nhà đầu tư cho rằng vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của họ; 72% đã nhà đầu tư vào vàng trong 1 năm gần đây cho thấy nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh; đặc biệt có 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng.
Tại Việt Nam, so với các kênh đầu tư như chứng khoán, gửi tiết kiệm, bất động sản, trái phiếu… các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng trong nước vẫn không phải là kênh sinh lời nhiều như các kênh đầu tư khác bởi giá vàng trong nước hiện nay rất cao, khoảng 57,5 triệu đồng/lượng, nếu đầu tư phải có số vốn lớn. Điều đáng nói là mua vàng xong thì không thể bán ngay được mà phải chờ đợi trong nhiều tháng, thậm chí cả năm mà mức sinh lời lại thấp, chỉ vài phần trăm.
Hơn nữa thị trường vàng trong nước hiện này đang trong tình trạng ‘1 mình 1 chợ’, giá không tương thông với giá thế giới. Điều này gây bất lợi và rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Do đó, giới chuyên gia khuyên nhà đầu tư, nếu đầu tư vào vàng thì chỉ nên bỏ một phần vốn, là tài sản đảm bảo chứ không nên gom hết trứng vào một giỏ.