Triển lãm cá nhân Nghiêng sáng

Admin
Hội họa có hai phương tiện chủ đạo: màu sắc và hình thể. Với triển lãm Nghiêng sáng, Trần Quang Dũng chọn màu sắc là phương tiện chủ đạo. Nó được cấu thành từ quá trình chiêm nghiệm về màu hữu sắc và màu vô sắc, từ cách dùng ánh sáng để chế định, để đi từ cái nhìn thấy đến cái cảm thấy.

Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 17h30 ngày 25/11, tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Tân Định, Q.1, TP.HCM, kéo dài đến 4/12/2022.

tran-quang-dung-5-1669203471.jpeg
Họa sĩ Trần Quang Dũng

Trần Quang Dũng mong muốn lần đầu triển lãm cá nhân tại Sài Gòn đó là được giới thiệu với mọi người sự ghi chép về cảm xúc của anh qua gần 30 bức tranh sơn dầu được vẽ trong những năm gần đây, khi anh ấp ủ việc thay đổi bút pháp. (Bút pháp là cách dùng ngôn ngữ hoặc đường nét, màu sắc, hình khối, ánh sáng để biểu hiện hiện thực, thể hiện tư tưởng trong tác phẩm nghệ thuật).

Hội họa có hai phương tiện chủ đạo: màu sắc và hình thể. Với triển lãm Nghiêng sáng, Trần Quang Dũng chọn màu sắc là phương tiện chủ đạo. Nó được cấu thành từ quá trình chiêm nghiệm về màu hữu sắc và màu vô sắc, từ cách dùng ánh sáng để chế định, để đi từ cái nhìn thấy đến cái cảm thấy.

nghieng-sang-12-1669203518.JPG
Tác phẩm "Nghiêng sáng 12"

Trần Quang Dũng cho rằng ánh sáng là mối liên kết không gian, thời gian, năng lượng và vật chất. Vì không gian và thời gian là cố định, nên ánh sáng là người đưa tin, di chuyển trong không gian, trong khoảng thời gian nhất định. Trường ánh sáng chính là yếu tố quyết định cấu trúc của không gian và thời gian. Nó vô hình, nên tồn tại như sự trừu tượng của trí óc.

Xem tranh Trần Quang Dũng, gợi nhớ đến hai câu thơ trong bài Trăng của Xuân Diệu: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng tuôn đầy các lối đi”. Tranh của Trần Quang Dũng dù vẽ ở bút pháp nào, chủ đề gì thì cũng có sự tươi sáng, lạc quan... Anh cho biết đó là do lựa chọn, do quan niệm. Vì nghệ sĩ không những quan tâm đến hiện thực bên ngoài, mà còn cả thế giới bên trong của tình cảm, tưởng tượng, mơ ước và cả tinh thần. Bản thân thích hướng đến sự nhẹ nhàng, nên tranh cũng nhẹ nhàng, sáng trong như vậy.

nghieng-sang-3-1669203554.JPG
Tác phẩm "Nghiêng sáng 3"

Trong Nghiêng sáng, Trần Quang Dũng chuyển biến mạnh từ bút pháp ấn tượng sang trừu tượng. Vì sao anh có quyết định này? Trần Quang Dũng trả lời: “Trước đây tôi thường vẽ trực hoạ phong cảnh thiên nhiên để cảm nhận không gian và thời gian rồi đưa vào tranh. Sự thay đổi của mỗi mùa trong năm là thiên nhiên mang lại nguồn sinh lực cho con người. Tôi muốn giữ lại cảm xúc ấy bằng cách biểu đạt khác - dùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc và ánh sáng làm chủ đạo, để tạo nên sự hài hoà, không diễn tả các hình ảnh cụ thể hữu hình nữa, mà muốn khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của người xem một cách bình dị nhất. Sự chuyển biến này cũng là tự nhiên, thay đổi theo từng giai đoạn. Mô phỏng đơn giản những chuyển động biểu hiện của thiên nhiên, hình ảnh chân thực trong hội họa, mời gọi người xem bằng ấn tượng của nó”.

nghieng-sang-16-1669203627.JPG
Tác phẩm "Nghiêng sáng 16"

Họa sĩ Hiền Nguyễn chia sẻ: “Ẩn dưới vẻ ngoài mang dáng dấp thư sinh, một trai đẹp có số má đất Hà thành, Trần Quang Dũng trình làng triển lãm đầu tay Nghiêng sáng tại Sài Gòn chỉ sau bạn gái có một tháng. Khả năng gặp Nguyễn Thu Hương nên Dũng phải “nghiêng”. Nghiêng sáng của Trần Quang Dũng khiến ký ức được gợi mở với những người Hà Nội tha phương… Đối tượng chính của nguồn cảm hứng trong triển lãm lần này là hoa giấy, tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ để Dũng chia sẻ cảm xúc của mình, chưa hẳn là một chủ đích cách tân, dù hình tướng bên ngoài có đôi chút khác biệt, thì cách nhìn - tâm thế vẫn như vậy”.

nghieng-sang-1-1669203583.JPG
Tác phẩm "Nghiêng sáng 1"

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trước đây Trần Quang Dũng thường vẽ trực hoạ phong cảnh tại mỗi con phố, để cảm nhận không gian và thời gian, rồi đưa vào tranh. Sự thay đổi của mỗi mùa trong năm là thiên nhiên mang lại nguồn sinh lực cho mọi người.

“Tôi muốn giữ lại cảm xúc ấy bằng cách biểu đạt khác. Dùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc và ánh sáng làm chủ đạo, để tạo nên sự hài hoà, không diễn tả các hình ảnh cụ thể, hữu hình nữa. Chỉ muốn khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của người xem một cách bình dị nhất. Thế giới tự nhiên trong tranh tôi bắt nguồn từ cảm nhận đó” - Trần Quang Dũng chia sẻ.

Thu Thảo (t/h)