Triển lãm cá nhân “Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri”

Admin
Triển lãm do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, sẽ khai mạc vào lúc 18h00 thứ Tư, ngày 22.03.2023 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, 218A Pasteur, Q.3 TP.HCM. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22.03 đến 28.03.2023
dao-minh-tri-1-1678952498.jpg
Họa sĩ Đào Minh Tri

Họa sĩ Đào Minh Tri sinh năm 1950, ông tốt nghiệp hệ sơ trung (7 năm) và hệ đại học (5 năm) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976. Sau thống nhất, ông từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Ngay từ những năm 1970, khi mỹ thuật miền Bắc còn tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh thống nhất, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những sáng tạo hội họa đậm tinh thần cá nhân độc đáo và hoàn toàn khác với đặc trưng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đang là tiếng nói đại diện chính thống duy nhất. Rất nhiều tác phẩm tranh bột màu của ông giai đoạn này cho thấy mối quan tâm tới nghệ thuật hiện đại quốc tế, tới những tên tuổi lớn như P. Picasso, H. Matisse, M. Chagall, J. Miró..., đồng thời chúng cũng bộc lộ ý thức coi đời sống tinh thần cá nhân mang bản sắc độc sáng là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo nghệ thuật.

tai03008-1678952684.jpg
Tranh giấy của Đào Minh Tri

Họa sĩ Lý Trực Sơn - đồng nghiệp cùng thời nhận định: “5 năm đại học của ông cũng là 5 năm có những đóng góp to lớn cho việc thay đổi tư duy nghệ thuật, tác động tích cực đến mô hình đào tạo của nhà trường, bắt đầu khuyến khích xu hướng phát triển phong cách riêng của từng sinh viên”. Cùng với hoạt động nổi bật của “Nhóm 10 người và triển lãm Tác phẩm mới” tại TP.HCM từ đầu thập kỷ 1990, nghệ thuật của Đào Minh Tri đã góp phần tạo ra diện mạo mở rộng đầy sinh lực của “mỹ thuật Việt Nam Đổi mới”.

tai02933-1678952753.jpg

Nửa thế kỷ hoạt động sáng tác nghệ thuật của Đào Minh Tri ghi dấu qua các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân và tập thể liên tục ở trong và ngoài nước. Đặc biệt với thể loại tranh sơn mài, ông đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền kỹ thuật thẩm mỹ, văn hóa truyền thống. Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập trong nước và quốc tế.

Triển lãm Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri trưng bày gần 60 tác phẩm chọn lọc từ 50 năm sáng tạo nghệ thuật trên các chất liệu bột màu, sơn dầu và sơn mài. Đặc biệt là những tác phẩm bột màu trên giấy, sáng tác chủ yếu trong những năm 1970, 1980 - đây là những tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ Đào Minh Tri.

Hội Mỹ thuật TP.HCM là đơn vị tổ chức triển lãm nhằm tôn vinh nghệ thuật của họa sĩ Đào Minh Tri, ghi nhận những đóng góp của ông đối với mỹ thuật TP.HCM nói riêng và mỹ thuật trong nước nói chung.

tai02895-1678952785.jpg

CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Những trang nhật ký sống động của một tâm hồn nhạy cảm

(Vài suy nghĩ khi xem tranh giấy của Đào Minh Tri)

Với Đào Minh Tri tôi là người bạn, đồng nghiệp. Học với nhau từ lớp 1, học hệ trung cấp mỹ thuật, cùng chung lớp đại học mỹ thuật, cùng về giảng dạy Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, cùng về công tác tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, và cùng rất nhiều về chí hướng trên con đường làm nghệ thuật. Đã xem nhiều tác phẩm của anh, có những điều mà tôi đã tưởng hiểu anh ấy sau hàng chục năm sống và làm việc bên cạnh nhau, nhưng loạt tranh giấy này cho tôi nhiều sự ngạc nhiên, hiểu anh hơn. Ngạc nhiên về cách trình bày cảm xúc qua rất nhiều cung bậc trên hàng trăm tranh giấy, tranh nhỏ nhưng chứa đựng nhiều suy tư về cuộc sống, cảm nhận về con người và xã hội, đó là những trang nhật ký sống động của một tâm hồn nhạy cảm.

Những bức sơn mài của Đào Minh Tri là kết quả của sự liền mạch, không đứt đoạn trong cảm xúc và trong thao tác, còn những bức tranh giấy, mặc dù kích thước nhỏ nhưng chứng tỏ nội lực sáng taọ mạnh mẽ, bề dày tri thức, chiều sâu của nghề, một vỉa quặng vô tận chỉ mới được khai thác một phần nhỏ.

Xem các bức tranh giấy nhỏ này ta cảm thấy có một cơ thể sống, một hạt mầm đang sinh sôi và tiếp tục đâm chồi. Một tác phẩm có thể kết thúc trọn vẹn trong không gian của nó, nhưng xem xong những tranh giấy của Đào Minh Tri, khi ta xếp lại, ta thấy đó là một cơ thể sống. Chính những mảnh nhỏ của cuộc sống đọng lại trên trang giấy đã làm nên một nét riêng của Đào Minh Tri. Thật ngạc nhiên với nghệ thuật của bạn tôi.

tai02754-1678952829.jpg

Ca Lê Thắng (họa sĩ)

GAI GÓC VÀ QUYẾN RŨ

Cầm tuổi Canh Dần 1950, sự gai góc, đáo để và sắc sảo đã là tính cách bẩm sinh của họa sĩ Đào Minh Tri ngay từ thời niên thiếu, khi ông là Hoàng tử bé rất đáng yêu của hệ sơ-trung 7 năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày ấy, nói đến ông, không thể không nhắc nhớ đến họa sĩ Ca Lê Thắng, người bạn liền kề để tạo nên một cặp đôi hoàn hảo của một thời vất vả, gian khó nhưng lành sạch và đẹp đẽ của mỹ thuật Việt Nam.

Ngay từ giữa những năm 1970, Đào Minh Tri đã nhô ra như hình ảnh đầu tiên về thế hệ thứ nhất của Đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam, cứng cỏi làm “thế hệ tiền trạm” khi quả quyết xoay chuyển nhanh trong Thập kỷ 1980 về ý thức thẩm mỹ và ngôn ngữ hội họa. Đào Minh Tri như một loại cây gai bẩm sinh tự xòe nhọn, tự xoay mở để phá vỡ không gian kinh viện khi kín đáo gây sốc thị giác trong hình sắc như bùa chú của bức họa.

Đương nhiên, ông mạnh mẽ và dễ gần với hội họa Hiện thực, nhưng liền đó cũng sớm bỏ lại nó để bước nhanh qua Siêu thực và Trừu tượng. Ông nồng nàn đeo bám một tín ngưỡng riêng khi phiêu phất xanh lục, xanh lam theo hình sắc bí ẩn của những người đàn bà Việt ở chốn Thượng ngàn khi Đạo Mẫu Việt Nam còn được cất giữ trong một không gian Thiêng mà không được duyên, nào mấy ai hay để tròn căn quả.

Rồi cũng phải tới cái không gian thăm thẳm không thấu đáy của sơn mài, ông mới thỏa thuê vùng vẫy, hòa điệu tự tin cùng những ký tự lạ của tâm thức phương Đông, thông tỏ những quẻ Dịch trong giây khắc để bay lượn không lạc phách với Ngũ hành.

Trong nhạc cảm siêu thoát và tượng trưng, các motif Cá và Người vừa ẩn phận vừa phô bày hình và hồn trong những cấu trúc phức hợp, tạo cớ cho vỏ trứng biến hóa, luân chuyển không dấu vết giữa vàng, bạc, son, then khi mờ chìm hay đột ngột chói lên rạng rỡ.

Cùng những nét ngẫu hứng trên giấy và buông nhẹ mực tàu trên mặt lụa trong, tranh sơn mài của họa sĩ Đào Minh Tri có sức quyến rũ thầm lặng và khó cũ với các thế hệ đến sau. Ông để ngỏ mọi cửa vào, lối ra nơi bức họa như một thách thức vừa ngạo nghễ, vừa dịu dàng. Thế giới của tôi cũng là của bạn nếu Trời cho duyên trong sự gặp gỡ huyền hoặc và kỳ thú với sơn ta, sơn mài Việt.

Lẳng lặng một ngôi vị đương nhiên, chẳng cần phải chiếm chỗ của bất kỳ ai, họa sĩ Đào Minh Tri là một dung nhan đáng yêu, khó bỏ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Hà Nội, Tết Nguyên tiêu Quý Mão 2023

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

tai02740-1678952880.jpg

ĐÀO MINH TRI - Một tiếng ngân dài

Tôi không phải nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nghệ thuật, nhưng vừa là thế hệ đi sau, vừa là đồng nghiệp của những họa sỹ như Thành Chương, Ca Lê Thắng và Đào Minh Tri, đồng hành từ giữa những năm 60' tới 70', của thế kỷ trước.

Chẳng những nhìn thấy mà còn cảm nhận phong cách của từng người, thay đổi qua từng giai đoạn.

Họa sỹ Đào Minh Tri, từ những năm cuối thập niên 60, đã là một "hình tượng" cho lớp đàn em học tập, chẳng những kiến thức cơ bản rất vững mà còn ở những ý tưởng luôn độc đáo. Là một trong những thí dụ điển hình cho việc học cơ bản là một chuyện, mà biến những nền tảng cơ bản thành nét riêng, thông minh, độc đáo là chuyện khác.

Từ những ngày ấy, họa sỹ Đào Minh Tri đã "lên đường" tìm cho mình một "tiếng nói" riêng, bằng kỹ năng, tay nghề vững và một cái đầu thông minh.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ, nhưng không phải khóa nào, hệ nào cũng có những đại diện nổi bật của mình, số người thiết lập được chỗ đứng, tạo dựng được tên tuổi, rất ít, bởi điều đó đòi hỏi không chỉ đôi tay, đôi mắt thuần thục, mà còn ở sự hoài nghi, "bứt phá" trong đầu.

Nó là sự thay đổi quan niệm và thể hiện đối tượng từ "dessin", "figure" cụ thể, sang "object" trừu tượng, đặt trong không gian hư cấu ("fictional") một cách có suy nghĩ. Vượt thoát ra khỏi cái nền kiến thức cơ bản, mà tìm cho mình một cách nói riêng và thuyết phục, là một hành trình gian nan, lâu dài, đòi hỏi một năng lực cảm xúc dày dặn, một trí lực phong phú và bền bỉ, dù trọng bệnh tác động đến thể xác nhưng không làm tinh thần đứt gãy.

Họa sỹ Đào Minh Tri sử dụng sơn dầu, sơn mài, màu bột trên giấy, trút ra cảm xúc, để tìm một tiếng nói tạo hình cho riêng mình ... ngân dài theo năm tháng.

"... Mục đích của nghệ thuật không phải là tái hiện những cái có sẵn (có lẽ là thừa), cũng chẳng phải nhằm tạo ra một cái gì đó bằng thị hiếu chủ quan thuần tuý để chơi (những thứ chỉ là nhất thời và chắc hẳn chẳng mấy ai quan tâm) mà là thúc giục tiến sâu vào toàn bộ thế giới bên ngoài và thế giới tâm linh, là nhìn ra và truyền đạt những thực tại khách quan trong đó, mà cho đến nay vẫn còn bị những quy tắc và quy uớc che khuất ..."

Nguyễn Thanh Bình (họa sĩ)

tai02734-1678952924.jpg

| Max Scheler - Bản chất của cảm xúc |

Trích lời nói đầu, sách "Hình, không gian và cách nhìn"

Graham Collier - Vuơng Tử Lâm, Phạm Long dịch

Hoạ sĩ Đào Minh Tri

Ở phương Đông các nhà Nho dạy nhất nhật vi sư/một ngày là thầy...

Phương Tây Nietzsche dặn học trò hãy lên đường/đừng ngoái lại nhìn thầy...

Với hoạ sỹ Đào Minh Tri tôi luôn suy nghĩ về hai điều ấy bởi khi vào học năm thứ nhất trung cấp Mỹ Thuật...nhà trường đã phân công hai anh Đào Minh Tri và Nguyễn Văn Chư dạy lớp tôi...là hai người thầy hội hoạ đầu tiên của chúng tôi...

Và trên con đường nghệ thuật tôi không khi nào ngoái lại nhìn hs Đào Minh Tri bởi đơn giản rằng tôi luôn thấy anh ở phía trước...

Nhớ khi mới vào trường Mỹ Thuật...chúng tôi đã bị thu hút bởi những tấm gương học giỏi Đào Minh Tri/Ca Lê Thắng/Lý Trực Sơn/Đặng Thu Hương v.v.v...các anh chị thực sự nổi bật và rất hấp dẫn lũ chúng tôi...

Lạ là khi ấy đến chơi nhà anh Tri ở số 9 Lê Văn Hưu...thấy anh vẽ rất nhiều treo khắp tường...những bức tranh sơn dầu của anh rất lạ đối với tôi một cậu học trò mới toe...nhưng tôi cảm nhận được những bức tranh ấy "khác" những điều tôi được học ngày ngày...nó thấp thoáng tinh thần của những bức tranh trong những cuốn sách hội hoạ phương tây tôi được xem trong thư viện nhà trường... hs Đào Minh Tri đã sớm tiếp cận tinh thần hội hoạ hiện đại...

Và nghệ thuật của anh thật sự nổi trội với những tìm tòi mới mẻ...

Anh vẽ nhiều về Cá...cá là hình tượng nghệ thuật của anh một khoảng thời gian dài...tôi ngắm những bức tranh cá của anh và liên tưởng đến tranh Hokusai bởi danh hoạ Hokusai muốn "hữu hình" Nước/nguồn thuỷ sinh/nơi sự sống manh nha/thoạt kỳ thuỷ/...bằng cách ông vẽ hết ra hình hài của sóng bạc đầu...là hỉnh hài của Nước mà mắt thường không thấu...

Và với tôi hs Đào Minh Tri cũng "hữu hình" Nước hữu hình nguồn sống bằng Cá...thật độc đáo khi seríes tranh Cá của anh hết sức biến ảo tâm tư hình sắc...

Tranh bột mầu trên giấy của hs Đào Minh Tri cũng đầy nội lực cũng ngồn ngộn sức sáng tạo...

Tôi tâm đắc khi đọc hs Ca Lê thắng viết về người bạn thân thiết của mình rằng :

"Xem các bức tranh giấy nhỏ này ta cảm thấy có một cơ thể sống, một hạt mầm đang sinh sôi và tiếp tục đâm chồi. Một tác phẩm có thể kết thúc trọn vẹn trong không gian của nó, nhưng xem xong những tranh giấy của Đào Minh Tri, khi ta xếp lại, ta thấy đó là một cơ thể sống. Chính những mảnh nhỏ của cuộc sống đọng lại trên trang giấy đã làm nên một nét riêng của Đào Minh Tri. Thật ngạc nhiên với nghệ thuật của bạn tôi."

Nghe tin anh Đào Minh Tri triển lãm...lũ chúng tôi rất mừng và rất xúc động...

Triển Lãm Hội Hoạ Đào Minh Tri có tên "Ngược Dòng" sẽ được tổ chức ở Hội Mỹ Thuật tp Hồ Chí Minh từ 22/3 đến 28/3/2023...

Cái tên "Ngược Dòng" làm lay động tâm hồn tình cảm những người thân yêu gắn bó với anh...bạn bè và những người biết anh và những người yêu nghệ thuật...

"Ngược Dòng" một cái tên đầy ý nghĩa với anh với vợ anh hs Nguyễn Bích Trâm và với các con anh bởi nhiều năm qua anh cùng gia đình thân yêu của mình đã Ngược Dòng Đời để Xuôi Dòng Mát Mái Sáng Tạo Nghệ Thuật...

Xin chúc mừng Triển Lãm của anh Thành Công...!!!

Phan Thiết (họa sĩ)

Phương Nam (t/h)