Vấn đề pháp lý về nguồn gốc đất khi bàn giao cho doanh nghiệp tại Phú Quốc

Admin
Hàng chục hộ dân tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc cho rằng 9,7ha đất do họ khai hoang, sinh sống và canh tác từ những năm 1990 bị “nhầm lẫn” thành đất của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Từ đó, người dân đối mặt nguy cơ bị thu hồi “trắng” khi Vườn Quốc gia Phú Quốc giao diện tích này cho Công ty Cityland Phú Quốc.

Từ ngày 28-31/8, Tổ Kiểm tra hiện trạng do Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thành lập đã tiến hành thống kê cây trồng, vật kiến trúc và đo đạc diện tích đất người dân đang sử dụng tại Tiểu khu 62 trên địa bàn ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc. Ngoài ra, Tổ Kiểm tra cũng đã thu thập, tiếp nhận các loại giấy tờ có liên quan đến từng thửa đất người dân đang sử dụng.

van-de-phap-ly-ve-nguon-goc-dat-khi-ban-giao-cho-doanh-nghiep-tai-phu-quoc-1696217277.jpg
Đoàn kiểm tra hiện trạng Tiểu khu 62 tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc.

Đây là động thái mới nhất của cơ quan chức năng địa phương liên quan đến vụ việc 31 hộ dân tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc kêu cứu do có sự nhầm lẫn trong quản lý, giao đất cho Vườn Quốc gia Phú Quốc khiến 9,7ha đất của các hộ dân này bị đưa vào diện đất rừng và có nguy cơ bị thu hồi “trắng” để giao cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc TP. Phú Quốc (City Land Phú Quốc).

Ông Huỳnh Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Phú Quốc, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra hiện trạng Tiểu khu 62 cho biết: “Tổ Kiểm tra hiện trạng do Hạt Kiểm lâm thành lập sẽ thu thập tất cả thông tin về toàn bộ diện tích, cây trồng, các tài liệu liên quan. Từ đó làm cơ sở pháp lý để báo cáo về cấp trên xem xét, giải quyết các vấn đề của người dân. Khi có kết quả xử lý sẽ có thông báo cho người dân và người dân có quyền khiếu nại nếu không đồng ý.”

pl-1696217305.jpg
Ông Huỳnh Long Hải thông tin đến người dân ấp Rạch Tràm về nhiệm vụ của đoàn kiểm tra hiện trạng.

Trước đó, vào ngày 30/4/2023, Văn Phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến UBND tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại của các hộ dân trú tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc đảm bảo chặt chẽ, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết. Đồng thời, có văn bản trả lời công dân và thông báo kết quả đến Ủy ban Dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tìm hiểu của PV, đơn kêu cứu của 31 hộ dân cho rằng khu vực 9,7ha tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm mà các hộ dân đang sinh sống có nguồn gốc từ việc khai khẩn đất hoang từ năm 1988. Năm 1994, một số người được Chi cục Điều động dân cư tỉnh Kiên Giang cấp thẻ di dân và định cư tại ấp Rạch Tràm cho tới bây giờ.

Trong quá trình đó, một số hộ khác đến sau cũng khai hoang và nhận chuyển nhượng từ các hộ đến trước. Một số hộ đã đăng ký sổ hộ khẩu và sinh sống ổn định, liên tục tại đây, một số hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, toàn bộ khu vực này có diện tích 9,7ha của 31 hộ đang sinh sống.

kv-1696217345.jpg
Khu vực 9,7ha do 31 hộ dân khai hoang, sinh sống và canh tác từ những năm 1990.

Ngày 18/6/2019, Vườn Quốc gia Phú Quốc ký hợp đồng về việc giao, nhận khoán bảo vệ rừng với Công ty CityLand Phú Quốc tại Tiểu khu 53. Tuy nhiên, bản vẽ giao đất kèm theo hợp đồng này lại trùng với vị trí khu đất 9,7ha của người dân thuộc Tiểu khu 62.

Một trong các cơ sở để các bên thực hiện hợp đồng này là Công văn số 1336/VP-KTTH ngày 21/3/2017 về việc điều chỉnh ranh giới Dự án Khu du lịch sinh thái, tham quan các sinh cảnh đặc trưng động thực vật Vườn Quốc gia Phú Quốc, của Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, ngày 09/8/2022, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản trả lời người dân cụ thể rằng: “Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang không ban hành công văn số 1336/VP-KTTH ngày 21/3/2017”.

Các hộ dân tại ấp Rạch Tràm cho biết, kể từ sau khi bản hợp đồng trên được ký, Công ty Cityland Phú Quốc cùng cán bộ xã Bãi Thơm nhiều lần vào yêu cầu người dân tháo dỡ nhà, giao đất cho công ty CityLand Phú Quốc khiến người dân vô cùng bức xúc.

ls-1696217376.jpg
Luật sư Trần Đình Dũng (áo trắng), người hỗ trợ pháp lý cho bà con ấp Rạch Tràm, cung cấp hồ sơ, tài liệu nguồn gốc đất cho Đoàn Kiểm tra.

Bà Bùi Thị Kim Trường (SN 1958, trú tại tổ 1, ấp Rạch Tràm) cho biết: “Tôi được Chi cục Điều động dân cư Kiên Giang cấp thẻ di dân đến ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm từ năm 1994 để khai hoang, giữ đất. Gia đình tôi đã sinh sống ổn định ở đây hàng chục năm. Nay công ty Cityland Phú Quốc vô cớ yêu cầu chúng tôi ra khỏi đất của mình, thử hỏi giao đất rồi chúng tôi sống ở đâu, lấy gì để canh tác, làm ăn”. Ông Nguyễn Văn Sự (SN 1989, trú Tổ 1, ấp Rạch Tràm) cho biết, trên khu đất 9,7 ha có 31 hộ gia đình đang sinh sống, trong đó có gia đình tôi, nhiều hộ sinh sống từ trước năm 1993 tới nay. Trong khi đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc cho đến năm 2001 mới được thành lập.

“Theo quy định của Luật Đất đai thì đất của chúng tôi đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất, trong đó đã có 2 hộ được cấp. Thế nhưng không hiểu vì sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DD 337198 ngày 25/3/2022 cấp cho Vườn Quốc gia Phú Quốc lại chồng lên đất của chúng tôi. Từ đó cho rằng chúng tôi lấn chiếm đất rừng và muốn thu hồi toàn bộ đất đai mà chúng tôi đã khai hoang và canh tác từ hàng chục năm nay”, ông Sự chia sẻ.

kt-1696217417.jpg
Tổ Kiểm tra hiện trạng tiến hành đo đạc diện tích đất người dân đang sử dụng.

Có thể thấy, việc chính quyền địa phương chưa xem xét kĩ lưỡng nguồn gốc đất đai của người dân đã vội vàng giao khoán cho doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người dân. Đặc biệt, việc để cho doanh nghiệp tự ý cho người vào đe dọa, yêu cầu người dân phải giao đất gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Ngày 19/9/2021 đã có xô xát xảy ra giữa bảo vệ Công ty Cityland Phú Quốc và người dân, cơ quan chức năng đã xử lý.

Theo văn bản mà Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vào ngày 05/01/2013, Ban Dân nguyện cho rằng đây là vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều hộ dân, cần được kiểm tra, giải quyết dứt điểm.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, việc các hộ gia đình sử dụng đất để ở từ trước năm 1990, nhiều người đến sau sang nhượng lại làm nhà ở nhưng họ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ cũ nhượng lại. Chính quyền địa phương cũng đã cấp sổ hộ khẩu, lập bản đồ địa chính, có trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được cấp thẻ di dân, được lập bản đồ địa chính, tức là khu vực này Nhà nước đã có chính sách xây dựng khu vực dân cư nông thôn từ lâu.

Theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013, các hộ gia đình này có đủ điều kiện để Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không có tranh chấp với người sử dụng đất khác. Nhà cửa đất đai người dân sử dụng từ trước khi thành lập Vườn Quốc gia Phú Quốc (2001), nếu bị chồng lên quyền sử dụng đất của Vườn quốc gia, thì đó là do khâu kiểm tra của cơ sở địa phương thiếu sót. Không thể vì thiếu sót của cơ quan nhà nước mà tước bỏ quyền lợi của mấy chục hộ gia đình sử dụng đất.