"Xế cụ" Porsche 911 S Targa 1967 tỉnh giấc sau gần 40 năm
Admin
14:53 13/12/2020
Đây là chiếc xe thể thao Porsche 911 S Targa đời 1967 đầu tiên được giao hàng tại Đức. Nó đã phải chịu cảnh bị lãng quên trong gần 40 năm, mới đây mới được Porsche Classic Factory Restoration phục chế
Trên thế giới có không ít công ty sẽ sẵn lòng phục chế những chiếc siêu xe Porsche cổ điển, nhưng chỉ một số rất ít có thể hoàn thành công việc xuất sắc như đội ngũ Porsche Classic Factory Restoration được dẫn dắt bởi Uwe Makrutzki. Không bất ngờ, quá trình phục chế một chiếc xe có thể mất tới hàng nghìn giờ - hoặc trong một số trường hợp là vài năm.
Chiếc Porsche 911 S Targa đời 1967 này là một trong số 925 chiếc được sản xuất từ năm 1966 đến năm 1968 với sự kết hợp của động cơ S sản sinh 160 mã lực, khung gầm trục cơ sở ngắn, và cửa sổ mềm dần được thay thế bằng cửa kính vào năm 1967. Hơn nữa, chiếc xe này đã được giao đến đại lý Hülpert của Porsche ở Dortmund vào ngày 24 tháng 1 năm 1967, biến nó trở thành chiếc xe Targa đầu tiên được giao hàng tại Đức.
Sau khi được sử dụng làm một chiếc xe trưng bày trong vài năm sau khi sản xuất, vào năm 1969, chiếc 911 S Targa này đã được bán cho một khách hàng ở Mỹ trước khi được bỏ lại trong một gara ở Long Beach, New York, nơi nó vẫn “ngủ yên” từ năm 1977 đến năm 2016. Nhưng may mắn thay, trước khi chiếc xe có cơ hội bị vứt bỏ hoàn toàn, nó đã được phát hiện và mua lại bởi một nhà sưu tập và đam mê Porsche, người quyết tâm cứu nó khỏi chuyến đi một chiều tới bãi phế liệu.
Vì bị bỏ không trong gần 40 năm trời, chiếc xe đã xuống cấp nặng nề cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng ít nhất là nó vẫn còn toàn vẹn nguyên chiếc, qua đó cho phép Porsche Classic Factory Restoration thực hiện phục chế trở lại tình trạng như vừa sản xuất. Tất cả các trang bị bổ sung tùy chọn ban đầu của xe vẫn được giữ nguyên, bao gồm hệ thống sưởi phụ, kính chắn gió màu, radio, ghế da, đèn sương mù halogen, và nhiệt kế ngoại thất.
Tuy nhiên, việc truy tìm các phụ tùng nhỏ như kẹp dây cáp, vòng cao su, và nắp bít cho động cơ S dung tích 2.0 lít tỏ ra khó khăn. Các bộ phận sao chép từ các nhà cung cấp bên thứ ba không phải là một lựa chọn, và ngay cả khi đội ngũ phục chế có thể tiếp cận hơn 60.000 phụ tùng thay thế chính hãng, họ vẫn mất nhiều công sức để tìm kiếm từng bộ phận bị thiếu.
Nhưng một thách thức lớn hơn cả là tìm chất liệu tương đồng với chất liệu làm nóc Targa ban đầu. “Chất liệu làm nóc xe ngày nay có kiểu vân khác và chắc chắn hơn loại nguyên bản”, ông Uwe Makrutzki giải thích. “Nhưng khách hàng của chúng tôi không thích nó. Vì lý do này, chúng tôi đã đặc biệt sản xuất một tấm nóc giống hệt về mặt hình thức cho dự án này. Mặc dù đã có hàng chục năm kinh nghiệm, các chuyên gia của chúng tôi vẫn phải làm việc cẩn thận từng bước để đạt được kết quả phù hợp”.
Chủ xe cũng có một yêu cầu đặc biệt nữa đối với lớp sơn được sử dụng cho các bộ phận khung xe, tấm ốp khoang động cơ, và hệ thống làm sạch không khí: sử dụng sơn hai thành phần màu đen giống như lúc nó vừa lăn bánh khỏi nhà máy, thay vì dựa vào kỹ thuật phủ bột màu hiện đại. Thân vỏ xe đã cần hơn 1.000 giờ để phục hồi một cách tỉ mỉ, và chiếc xe được sơn màu đỏ Polo giống màu khi xuất xưởng. Để bảo vệ thêm, chủ xe yêu cầu một lớp màng bảo vệ phủ bên ngoài với hiệu ứng mờ tinh tế.
Tổng cộng, Porsche Classic Factory Restoration phải mất hơn 3 năm để phục chế Porsche 911 S Targa 1967 về tình trạng như mới xuất xưởng, và hơn 50 năm sau khi sản xuất, chiếc 911 S Targa đầu tiên được giao tại Đức hiện đã trở lại trên đường phố.