Các ngân hàng đã "qua cơn bĩ cực"?

Admin
Dù đi qua một năm biến động, một số ngân hàng mới đây công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 cho thấy, chỉ số lợi nhuận khả quan, vượt kế hoạch đề ra, đang mở ra một triển vọng sáng hơn cho năm 2024.
Loạt ngân hàng báo lãi đậm trong năm 2023, dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục bội thu - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh

Ngành ngân hàng vừa bước qua năm 2023 đầy "sóng gió" khi khả năng hấp thụ vốn sụt giảm, nợ xấu gia tăng khiến lợi nhuận bị đe dọa sụt giảm. Song đến thời điểm hiện tại, bức tranh kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng đang xuất hiện tín hiệu tươi sáng từ kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch của một số ngân hàng lớn.

Đơn cử như mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao, tăng 10,2% so với năm 2022. Dù nhà băng này không công bố con số cụ thể, nhưng dựa theo mức tăng trưởng, tính toán của chúng tôi cho thấy lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 đạt khoảng 41.200 tỷ đồng.

Còn theo thông tin từ BIDV, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank.

Ngân hàng VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo công bố từ Agribank, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ước đạt 25.300-25.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.

Triển vọng sáng hơn trong năm 2024

Một năm khó khăn bủa vây song kết quả kinh doanh năm 2023 của một số ngân hàng cho thấy bức tranh tài chính ngân hàng vẫn sáng. Đây là cơ sở để kỳ vọng vào một mùa kinh doanh mới 2024 sẽ tích cực hơn.

Một số công ty chứng khoán gần đây cũng đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh năm 2024 với triển vọng lạc quan trên cơ sở mức nền thấp của năm 2023, các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và sự hồi phục của các kênh đầu tư như trái phiếu, bất động sản.

Cụ thể, báo cáo triển vọng năm 2024 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA đi lên, NIM tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn sẽ đến trong năm 2024. Cũng theo MASVN, mức tăng trưởng tín dụng cao vào quý IV/2023 có thể sẽ không được chuyển hóa ngay vào lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng, mà việc giải ngân muộn sẽ góp phần vào lợi nhuận của năm 2024. Sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng là biến số tích cực cho tăng trưởng của ngân hàng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 có thể khoảng18,9%, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi mới.

Còn Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo thận trọng hơn khi con số tăng trưởng của toàn ngân hàng chỉ ở mức khoảng 10%. Năm 2024 sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

VCBS phân tích thêm: "Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào như hiện tại là yếu tố hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm kiếm đầu ra. Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong năm 2024. Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024".

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán KB cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh. Đơn vị này nhận định, một số khó khăn mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt trong năm 2024. Song, nhiều điểm sáng sẽ xuất hiện như thị trường bất động sản hồi phục… Đây là cơ sở để KBSV kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì, tạo động lực thúc đẩy tín dụng và cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng.