Trong 24h qua (từ 16h ngày 29/11 đến 16h ngày 30/11), trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 13.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 208 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 7.549 ca trong cộng đồng).
(Nguồn: Bộ Y tế/TTXVN) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.238.082 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.560 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.232.852 ca, trong đó có 986.531 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (470.458), Bình Dương (282.231), Đồng Nai (87.246), Long An (38.241), Tiền Giang (28.628).
Tạm dừng thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Covivac
Thông tin được đại diện Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine Covivac, xác nhận chiều 30/11.
Theo đại diện IVAC, giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac, theo kế hoạch, sẽ được triển khai vào tháng 12 với số lượng tình nguyện viên dự kiến là 4.000 người.
Tuy nhiên, hiện nhóm nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tìm được đủ tình nguyện viên đáp ứng các điều kiện.
"Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ở nước ta rất cao. Do đó, chúng tôi gặp khó trong việc tuyển tình nguyện viên chưa tiêm vaccine Covid-19 và đáp ứng các tiêu chí khác của nghiên cứu. Các tình nguyện viên cũng phải theo cộng đồng, không thể tuyển mỗi nơi một ít", vị này cho hay.
Đơn vị này cũng đang cố gắng tìm các phương án khác, trong đó có phương án nghiên cứu liều vaccine tăng cường để sử trong tương lai.
Covivac được IVAC nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020, là vaccine phòng Covid-19 thứ hai của Việt Nam (bên cạnh Nanocovax) bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine Covivac là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2, được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
2 lô vaccine 124001 và 123002 phòng Covid-19 của Pfizer đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả
Sau khi có thông tin trên báo chí về 2 lô vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer có hạn sử dụng đến ngày 30/11, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Với vaccine Pfizer từ ngày 22/8 đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) ngày 10/9 thông qua hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng.
Có nghĩa 2 lô vaccine Pfizer 124001 và 123002 nhập về Việt Nam còn hạn sử dụng 3 tháng.
Trong ngày 29/11/2021 có 2.235.445 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 122.083.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.143.392 liều, tiêm mũi 2 là 50.940.072. (Nguồn: TTXVN) |
GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết thêm: Việc tăng hạn sử dụng của vaccine được dựa trên kết quả nghiên cứu độ ổn định theo Hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học.
Nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau, kết quả cho thấy vaccine đã có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng kể từ ngày sản xuất. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu và được sử dụng cho tất cả các đối tượng, bao gồm trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Các lô vaccine Pfizer có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng sau thời gian FDA và EMA phê duyệt trên.
Trên cơ sở kết luận của FDA và EMA, ngày 30/9, Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc của Việt Nam đã chính thức thông qua kéo dài hạn sử dụng đối với vaccine của Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Tiếp đó, ngày 22/10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản 12926/QLD-KD đồng ý về việc tăng hạn dùng của vaccine phòng Covid-19 Pfizer.
Theo đó, các lô vaccine Pfizer được nhập về Việt Nam sau ngày 22/10 với hạn dùng 6 tháng in trên nhãn thì tự động tăng thêm 3 tháng. Như vậy, đối với 2 lô vaccine 124001 và 123002 sẽ có hạn dùng đến ngày 28/2/2022.
Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai tiêm chủng đảm bảo an toàn hiệu quả và truyền thông để người dân hiểu.
Vĩnh Phúc chủ động chuyển hướng ngăn chặn, không để “vỡ trận”
Chiều tối 30/11, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong ngày trên địa bàn phát sinh 35 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 30 ca đã cách ly tập trung; 2 ca tại cộng đồng và 3 ca phát hiện trong khu vực phong tỏa.
Đến nay, địa phương này ghi nhận 1.218 ca mắc Covid -19. Hiện còn 938 bệnh nhân đang điều trị (277 bệnh nhân đã khỏi; 3 bệnh nhân tử vong).
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao theo đúng chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong phòng chống dịch bệnh.
Các huyện, thành phố tạm dừng 100% các hoạt động chưa cần thiết, kiểm soát các nguy cơ, tăng xét nghiệm tầm soát theo hướng xã hội hóa, đặc biệt tại hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường. Ông Thành cũng yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động hiếu, hỉ, giỗ chạp tập trung đông người.
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc/nghi mắc Covid-19, số lượng F1 tăng cao. Do đó, Vĩnh Phúc phải có các giải pháp khẩn cấp, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp cách ly y tế, xét nghiệm, điều trị và giãn cách xã hội.
Hà Nội bác thông tin dừng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ
Tối 30/11, Sở Y tế Hà Nội thông báo thành phố tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới gia tăng. Chỉ trong 24h, Hà Nội ghi nhận 468 ca Covid-19 mới trong đó có 274 ca cộng đồng, khu cách ly (138), khu phong tỏa (56).
Đây là ngày thứ 2 trong tuần Hà Nội lập kỷ lục về ca mắc trong ngày và ca cộng đồng.
Về thông tin dừng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, kết quả khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 cho thấy một học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Học sinh này sinh sống trên địa bàn quận Đống Đa, nơi đang ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19.
Ngay sau khi phát hiện, trường hợp này đã được cách ly. Sau khi áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định, dây chuyền tiêm này tiếp tục hoạt động như bình thường.
Vị lãnh đạo này khẳng định, tất cả các dây chuyền tiêm trên địa bàn Hà Nội đều hoạt động bình thường, không có chuyện dừng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ.
Từ sáng 30/11, Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho trẻ 13-14 tuổi, tương ứng học sinh khối lớp 7-8. Trước đó, từ ngày 23/11, thành phố chính thức triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho học sinh từ lớp 10, 11 và 12. Đến ngày 27/11, Hà Nội bắt đầu tiêm cho học sinh lớp 9.
Tính đến 18h ngày 29/11, Hà Nội đã tiêm 281.025 mũi/307.505 trẻ (đạt 91,38%) cho trẻ từ 15-17 tuổi và tiêm được 111.219 mũi/128.838 trẻ 14 tuổi (đạt 86,32%).
Theo kế hoạch, trong quý IV/2021 và quý I/2022, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ trẻ 12-17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội). Thành phố phấn đấu tiêm được 95% trẻ từ 12-17 tuổi.
Dự kiến, có 791.921 trẻ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12-15 tuổi và 272.374 trẻ từ 15-17 tuổi.