Nhiều ngân hàng có nguy cơ mất vốn

Kinh tế và Đời sống
Nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại, khi nhiều khoản vay không có khả năng thanh toán. Theo báo cáo tài chính quý IV năm 2023 của một số ngân hàng cho thấy, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng vọt, trong khi việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ vẫn còn ngổn ngang.

Nợ xấu được phân loại theo tiêu chí thời gian quá hạn trả. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trên 3 tháng trở lên tương ứng 3 nhóm: 3, 4 và 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).

Báo cáo tài chính ở một số nhà băng cho thấy, nợ nhóm 3, 4 giảm nhưng nhóm 5 lại tăng mạnh. Như tại ngân hàng Ngân hàng Quốc Dân (NCB), tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 chiếm gần 30% tổng dư nợ và tăng 92% so với cuối năm 2022.

Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 giảm mạnh, trong khi tăng vọt ở nhóm 5, từ 3.280 tỉ đồng lên 13.665 tỉ đồng.

Kinh tế khó khăn, Nợ xấu tăng ở nhiều nhà băng.Kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng ở nhiều nhà băng. (Ảnh: Internet)

Theo quy định, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng phải tăng dần lên từ 20% với nợ nhóm 3 lên 50% với nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 là 100%. Năm qua, NCB tăng rất mạnh khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận nhưng đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất đối với các khoản tín dụng tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

Chất lượng tín dụng của BaoVietBank đi lùi khi nợ xấu lên đến 1.654 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng 49% so với đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên 4%. Nhà băng này trích dự phòng rủi ro đến 91%, với 1.072 tỷ đồng, nên lãi trước thuế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm 2023. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,12% đầu năm xuống còn 2,03%.

Đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của PGBank là 904 tỉ đồng, cũng tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng, bù lại nợ có khả năng mất vốn lại giảm. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,55%.

Nói thêm, 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều biến động trong cơ cấu sở hữu của PGBank. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thoái vốn khỏi ngân hàng. Đơn vị này cũng đổi tên Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank).

Chất lượng tài sản của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng rất xấu.

Đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu BVBank 1.913 tỉ đồng, tăng 35% sau một năm. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỉ đồng.

Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BVBank cũng tăng từ mức 2,79% lên 3,31%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 23%, đạt 276,5 tỉ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu thì xử lý nợ xấu cần gắn với tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Những ngân hàng yếu kém đã lộ diện và tạo rủi ro cho hệ thống nếu thiếu các giải pháp để xử lý triệt để. Cần giám sát chặt chẽ để chẩn đoán trường hợp có thêm những ngân hàng yếu kém bộc lộ tới đây.

Thiên Trường (t/h)