Theo Báo Thanh niên, hãng ô tô Nhật Bản Nissan đã quyết định tập trung vào sản xuất các dòng xe PHEV, đồng thời đang xem xét hợp tác với Mitsubishi để cung cấp nền tảng PHEV cho Honda.
Có phải quyết định quá vội vàng?
Giải thích cho quyết định này, Nissan cho rằng doanh số bán BEV đang có dấu hiệu chững lại do giá cả cao và những hạn chế liên quan đến việc sạc pin. Ngược lại, PHEV mang lại lợi nhuận cao hơn và có nhiều yếu tố phù hợp hơn cho quá trình chuyển đổi sang BEV, một quá trình được dự đoán sẽ kéo dài. Với việc sở hữu động cơ xăng song song với động cơ điện, PHEV có thể thực hiện các quãng đường dài mà không lo về hạ tầng sạc.
Trong bối cảnh này, nhiều hãng xe cũng đang phát triển các dòng PHEV với quãng đường sử dụng động cơ điện ngày càng dài hơn. Chẳng hạn, mẫu Toyota Prius PHEV hiện có pin cho phép chạy tới 105 km, dự kiến sẽ nâng lên 200 km. Hãng BYD của Trung Quốc gần đây cũng đã giới thiệu một mẫu PHEV có thể di chuyển liên tục lên đến 2.100 km chỉ với một lần sạc và đầy bình xăng.
Dự kiến, nếu pin của PHEV có thể chạy được 140 km tại Nhật Bản hay 200 km tại Mỹ, điều này sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày. Chính vì vậy, một số ý kiến cho rằng việc tập trung phát triển BEV vào thời điểm này là quá sớm, nhất là khi hạ tầng vẫn chưa đáp ứng đủ.
Thái Lan phê duyệt ngân sách hỗ trợ xe điện lớn
Thực tế doanh số bán hàng cho thấy PHEV đang có dấu hiệu khởi sắc. Theo thống kê, trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, đã bán được 991.000 xe điện (bao gồm cả PHEV và BEV), giảm 5,5% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 27% so với tháng 7 năm 2023. Trong số đó, doanh số BEV đạt 551.000 xe, giảm 10% so với tháng 6 nhưng chỉ tăng 2,6% so với tháng 7 năm 2023. Trong khi đó, doanh số PHEV đạt 438.000 xe, tăng 0,5% so với tháng 6 và tăng 86% so với tháng 7 năm 2023. Đến tháng 8 vừa qua, PHEV tại thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 96,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự thay đổi chiến lược của nhiều hãng
Trước thực trạng này, nhiều nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu đã chuyển hướng chiến lược xe điện của mình. Một số hãng ô tô châu Âu đã quay lại để tập trung nhiều hơn vào PHEV. Cụ thể, Jaguar Land Rover đang gia tăng sản lượng PHEV, Volvo dành nhiều ưu ái hơn cho các mẫu PHEV như XC60, và BMW cho biết họ có thể thúc đẩy doanh số PHEV nhiều hơn.
Thông tin trên Tạp chí Ô tô Xe máy, hồi tháng 7, Audi đã điều chỉnh chiến lược điện khí hóa bằng cách mở rộng dòng sản phẩm PHEV, trong khi dự đoán quá trình chuyển đổi sang BEV có thể bị trì hoãn. Đây cũng là chiến lược chung của Volkswagen, tập đoàn sở hữu Audi. Tương tự, General Motors (GM) cũng đang tập trung phát triển PHEV hơn là BEV.
Những diễn biến này cho thấy ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, có vẻ đã có những phân tích đúng đắn. Trước đây, ông từng từ chức Giám đốc điều hành Toyota do áp lực chỉ trích rằng hãng không đầu tư đủ cho BEV.
Sau khi từ chức giám đốc điều hành nhưng vẫn giữ chức vụ chủ tịch, ông Toyoda tiếp tục khẳng định rằng có nhiều cách để giảm phát khí thải ô tô mà không cần phải nhanh chóng chuyển sang phát triển BEV. Ông dự đoán rằng BEV sẽ không vượt quá 30% tổng số xe bán ra trên toàn cầu và cho rằng PHEV là một con đường phù hợp.
Thực tế, PHEV và xe hybrid (HEV, không thể cắm sạc) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Toyota, giúp hãng duy trì vị thế là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Theo The New York Times, trong năm 2023, Toyota đã bán được 11,8 triệu xe, gấp gần 6 lần doanh số của Tesla (chỉ sản xuất BEV).
Tiến Minh (T/h)