"Quả đắng" đầu tư đất nền: Mua hớ cao gấp 3, rao bán 2 năm không ai mua

Huy Hoàng
Không phải ai đầu tư bất động sản cũng thắng. Không ít "tay mới" nhảy vào mua đất nền đã phải chịu "quả đắng" vì "bánh vẽ" quy hoạch.

Cách đây 3 năm, thời điểm đất nền tại Hòa Lạc (Hà Nội) đang lên cơn "sốt", người người nhà nhà đổ lên đây săn đất. Thấy bạn bè nô nức đi đầu tư, anh N.B (Long Biên, Hà Nội) cũng đã nghe lời bạn thân làm môi giới bất động sản để mua đất tại đây. Miếng đất anh B mua cách khu công nghệ cao chỉ khoảng 2 - 3 km, nên anh rất tin tưởng đây là phi vụ thành công.

Cầm tấm bản đồ quy hoạch trên tay, người bạn của anh B đã vẽ ra cho anh những viễn cảnh rất đẹp về tương lai tại Hòa Lạc. Do quá tin tưởng người bạn đã học cùng mình hàng chục năm trời, anh B xuống tiền mảnh đất 94m2 với giá 8 triệu đồng/m2.

dathoalac-1-1602132845589-1617501208.jpg

Hòa Lạc vài năm nay luôn là điểm đến của dân buôn bất động sản, bởi quỹ đất ở đây nhiều và địa giới hành chính lại thuộc Hà Nội.

"Bạn tôi nói rằng khu đất này đã được phân lô bán nền lại rất gần với khu công nghệ cao nên công nhân sẽ mua để ở nhiều. Khi nào đất lên 11 - 12 triệu đồng/m2 thì bán lướt sóng cũng đã lãi to", anh B kể lại.

Nghe bùi tai, anh B còn định rủ thêm một người bạn khác lên mua thêm mỗi người một mảnh. Tuy nhiên, sau khi thấy anh "xuống tiền", người môi giới lại tiếp tục gạ anh mua thêm 1 mảnh nữa. Song, mảnh đất này đã có người mua với giá 8,5 triệu đồng/m2, nếu anh B lấy lại thì phải mua với giá 9 triệu đồng/m2.

"Mới chỉ 'sang tay' đã có tiền, nên tôi càng ham. Nhưng lúc đó, giấy tờ của khu đất vẫn đang hoàn thiện nên tôi chưa muốn liều", anh B nói và cho biết thêm, dân môi giới còn có trò cắm mốc đánh dấu vào các lô đất đẹp để tạo sốt giả, ép khách xuống cọc. Nhưng khi đi điều tra thì anh B mới vỡ lẽ khu đất đó thực chất chưa có ai đặt mua. Mỗi mảnh đất như vậy, khi bán được, người môi giới thu về 50 triệu đồng tiền hoa hồng.

Sau một thời gian mua đất, anh B cũng đã rao bán khắp nơi. Anh đăng trên các hội nhóm mua bán đất Hòa Lạc, rao bán quanh khu vực đó hoặc thậm chí nhờ môi giới. Chưa nói đến việc bán có lãi, việc bán ngang giá cũng chưa từng có một khách hỏi mua.

Anh B kể, các trung tâm môi giới, mua bán bất động sản tại Hòa Lạc rất nhiều, nhưng nhu cầu giao dịch thực tế thì lại không nhiều như họ nói.

qua-dang-1617501263.jpg

Nhiều văn phòng tư vấn bất động sản cũng mọc lên để môi giới, buôn bán đất.

Sốt ruột khi tiền nằm đó mà bán không ai mua, anh B đã nhiều lần lên Hòa Lạc để dò hỏi thông tin về giá đất sát khu đã phân lô bán nền mà anh mua. Vào một hàng trà đá, anh B mới giật mình khi giá ở đây chỉ khoảng 2 triệu đồng/m2.

Thậm chí, một người khách ngồi cùng quán còn sẵn sàng bán cho anh mảnh đất 200m2, trong đó có 100m2 đất thổ cư và 100m2 đất vườn với giá chỉ 3 triệu đồng/m2.

Thất thần, anh B nhiều lần liên lạc với người bạn cũ làm môi giới nhưng không được. Người bạn cũ này cũng đã nghỉ việc và trụ sở công ty cũng đã chuyển 4 - 5 lần.

Hai năm trời đứng ngồi không yên, nhưng đến tháng 7/2020, có một vị khách đã hỏi mua miếng đất với giá 6 triệu đồng/m2. Anh B liền lập tức đồng ý dù lỗ tới 2 triệu đồng/m2. Tính thêm tiền lãi ngân hàng thì miếng đất đó anh B lỗ khoảng 350 triệu đồng.

"Nhận được 50% tiền cọc, tôi đã mừng rơi nước mắt. Tôi phải giục khách thanh toán nốt để làm thủ tục, giấy tờ, vì lúc đó dịch đang bùng phát. Nếu bị phong tỏa thì việc mua bán sẽ gặp vấn đề. Tôi sợ để lâu sẽ lại không bán được" - anh B cho hay.

qua-dang-1-1617501304.jpg

Đông Anh hiện cũng đã có nhiều khu phân lô bán nền.

Không riêng anh B, chị Phương Anh (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng từng mua đất nền theo cơn "sốt" ảo, để phải bán cắt lỗ miếng đất ở Đông Anh hơn 100 triệu đồng.

Theo chị Phương Anh, cách đây khoảng 2 năm, thông tin về các siêu dự án về Đông Anh khiến đất tại đây "sốt" lên nhanh chóng. Chị cũng mua đầu tư một mảnh đất với giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Dù vậy, chờ lay lắt mãi chị vẫn không bán được mảnh đất của mình vì thông tin thay đổi liên tục, xu hướng đầu tư chuyển về Gia Lâm khiến khách mua chẳng ngó ngàng.

"Phải chật vật, tôi mới bán được mảnh đất nền tưởng chừng đã có lãi 200 triệu đồng. Bán lỗ đấy nhưng thời gian gần đây, khi có thông tin cầu sắp được xây, giá đất lại đảo chiều", chị Phương Anh nói.

Đất tăng giá trở lại, nhưng chị Phương Anh cũng không dám mạo hiểm đầu tư như lần trước. Bởi theo chị, rủi ro của việc đầu tư lướt sóng như lần trước khiến chị không dám liều một lần nữa với đất nền.