Thương hiệu doanh nghiệp công nghệ Việt: "Cánh cửa mở" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Admin
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Tạ Sơn Tùng - Chủ tịch Rikkeisoft chia sẻ, thương hiệu công nghệ Việt Nam đang từng bước định hình và khẳng định. Dù có khó khăn trong việc kết nối với đối tác nước ngoài, Rikkeisoft cũng như các doanh nghiệp khác mong muốn đóng góp một phần để Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ thế giới.
Là doanh nghiệp công nghệ Việt với những bước tiến đáng ghi nhận trên thị trường toàn cầu, ông đánh giá thương hiệu công nghệ Việt quan trọng như thế nào khi doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường quốc tế?
Ông Tạ Sơn Tùng: Thương hiệu nói chung và thương hiệu công nghệ Việt nói riêng có ý nghĩa, vai trò rất lớn đối với doanh nghiệp khi hướng tới thị trường quốc tế. Dù thương hiệu công nghệ Việt đang từng bước định hình và khẳng định. Thương hiệu công nghệ Việt là “cánh cửa mở” để doanh nghiệp trong nước nhận được niềm tin và sự cam kết từ đối tác quốc tế. Từ đó thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, góp phần gia tăng giá trị của dịch vụ công nghệ thông tin.
Nhắc đến thương hiệu là nhắc tới chất lượng, niềm tin và sự bền vững. Ba yếu tố này là điểm mấu chốt để các đối tác quốc tế tìm tới và lựa chọn doanh nghiệp công nghệ Việt để hợp tác. Qua 10 năm trải nghiệm thị trường nước ngoài, Rikkeisoft nhận thấy, thương hiệu quốc gia trong ngành công nghệ thông tin có thể giải quyết hai câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp quốc tế đặt ra: “Tại sao là Việt Nam?” và “Tại sao là dịch vụ công nghệ, nhân sự Việt Nam?”.
Theo ông Tạ Sơn Tùng - Chủ tịch Rikkeisoft, thương hiệu công nghệ Việt Nam đang từng bước định hình và khẳng định.
Xét về bối cảnh, Việt Nam có nền kinh tế và chính trị ổn định, mức độ đón nhận, sẵn sàng trong công nghệ khá cao. Ví như chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu của Việt Nam tăng 14 bậc, xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Đặc biệt, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Thực tế, chất lượng nhân sự Việt Nam trong ngành công nghệ thông tin đã thăng hạng trên bản đồ thế giới. Cùng với đó là khả năng ngoại ngữ và biết nắm bắt công nghệ mới để phát triển giải pháp, sản phẩm cho doanh nghiệp, xã hội. Đặc biệt, khả năng thích ứng và linh hoạt của nhân sự IT nước ta ngày một được cải thiện bởi doanh nghiệp tại mỗi quốc gia đều có phong cách làm việc và hợp tác khác nhau.
Như ông vừa nói thương hiệu công nghệ Việt Nam đang từng bước định hình và khẳng định. Vậy điều này có khó khăn gì với Rikkeisoft khi phát triển ở thị trường quốc tế trong 10 năm qua? Khó khăn chung của doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Ông Tạ Sơn Tùng: Bất chấp hậu quả của đại dịch COVID-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của Thương hiệu Quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33. Năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Thương hiệu công nghệ Việt là “cánh cửa mở” để doanh nghiệp trong nước nhận được niềm tin và sự cam kết từ đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, với thương hiệu trong ngành công nghệ thông tin, Việt Nam mới đang từng bước nỗ lực để khẳng định. Điều này dễ dàng lý giải bởi một phần ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam hình thành được 20 năm và còn một hành trình dài phía trước. Một phần Việt Nam chưa thực sự có nhiều sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng trên thị trường quốc tế.
Song điều này không có nghĩa sẽ gây cản trở việc doanh nghiệp công nghệ Việt khẳng định giá trị thị trường quốc tế. Chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin của Rikkeisoft được quốc tế công nhận khi chúng tôi vinh dự đạt giải Bạc trong Giải thưởng IT World Award 2022. Rikkeisoft là một trong số ít doanh nghiệp Việt được vinh danh tại giải thưởng quốc tế này.
Không chỉ Rikkeisoft, các doanh nghiệp công nghệ khác khi bước ra quốc tế đều có trách nhiệm đề cao giá trị Việt để mang tới dịch vụ và sản phẩm IT mang tầm toàn cầu. Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ Việt đã có và tận dụng những lợi thế từ bối cảnh, sự cải thiện trong chất lượng nguồn lực. Mặc dù sẽ có những khó khăn nhất định trong việc kết nối, khai phá hai bên, Rikkeisoft và doanh nghiệp khác lại mong muốn đóng góp một phần để Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ thế giới.
Năm 2023, bức tranh công nghệ có thể bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Rikkeisoft có những bước chuẩn bị như thế nào khi bước ra toàn cầu để thực hiện mục tiêu lớn “nâng tầm giá trị Việt”?
Ông Tạ Sơn Tùng: Tôi cho rằng, muốn xuất hiện trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, thì phải ra được thị trường quốc tế. Đó là một trong những mục tiêu mà chúng tôi đặt trọng tâm trong năm qua, và tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2023 với việc mở rộng cung cấp giải pháp công nghệ cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Mỹ. Hiện Rikkeisoft đã có nhân sự đại diện kinh doanh tại Australia và Singapore.
Muốn mở rộng thị trường, chất lượng giải pháp công nghệ, khả năng đáp ứng công nghệ của Rikkeisoft cần tương xứng với nhu cầu của khu vực, quốc gia đó. Vì vậy, các giải pháp công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR/VR) hay đám mây (Cloud) sẽ tiếp tục được Rikkeisoft nghiên cứu và phát triển mạnh.
Những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, hiệp áp dụng cho doanh nghiệp và trong đời sống như Rikkei eKYC – Giải pháp định danh khách hàng điện tử có khả năng xác minh, đã giúp một số doanh nghiệp duy trì trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như Rikkei AI Smart Camera, Rikkei call center đang được đẩy mạnh ứng dụng trong doanh nghiệp và xã hội.
Đặt mục tiêu sứ mệnh “nâng tầm giá trị Việt”, trong 10 năm qua, chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng nguồn lực công nghệ thông tin thông qua các chương trình đưa kỹ sư công nghệ Việt làm việc tại chi nhánh Nhật Bản, hợp tác với các trường đại học.
Năm 2023, Rikkeisoft kế hoạch đưa nguồn lực công nghệ thông tin Việt ra nước ngoài, tới một số thị trường quốc tế mà công ty đang khai phá như Singapore, Australia và Mỹ, không chỉ Nhật Bản. Hiện tại, chúng tôi đã đang làm việc với các đối tác trong khu vực để mở rộng cơ hội hợp tác.
Ngoài ra, các giải pháp ứng dụng công nghệ cao được Rikkeisoft tiếp tục nghiên cứu và phát triển, hướng tới phục vụ xã hội và cộng đồng. Mảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và đào tạo nguồn lực công nghệ cũng sẽ là hai mũi nhọn của công ty. Trong đó, Rikkei Digital hướng tới mục tiêu lọt Top 3 doanh nghiệp tại Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Còn Rikkei Academy kỳ vọng đào tạo 1.000 lập trình viên trong năm tới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động khó lường, theo đó sẽ đưa đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp trong năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo nhiều hơn nữa để thích ứng với diễn biến của thị trường, đáp ứng nhu cầu người dùng
Vậy với cơ quan quản lý Nhà nước, Rikkeisoft có đề xuất hay kiến nghị gì trong năm mới để hỗ trợ cho việc định hình thương hiệu công nghệ Việt trên trường quốc tế?
Ông Tạ Sơn Tùng: Một vài doanh nghiệp lớn sẽ không thể tạo nên một thương hiệu quốc gia trong ngành công nghệ thông tin. Ở góc độ doanh nghiệp, việc phối hợp và tương trợ giữa các doanh nghiệp là điều cần thiết.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi hy vọng có các chương trình gặp gỡ và thúc đẩy hợp tác quốc tế với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nước ngoài. Các chương trình nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, kết hợp với mô hình trường học và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng các hub công nghệ Việt Nam tại các thị trường công nghệ lớn.
Hi vọng, với sự hỗ trợ tiếp tục từ phía Nhà nước, năm tới cộng đồng doanh nghiệp công nghệ sẽ lan tỏa thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia, tự tin và vững vàng hơn trên con đường chinh phục thị trường quốc tế, qua đó đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nước nhà.