
Tọa đàm "Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu", do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến các đại biểu trao đổi Tọa đàm "Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu", do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội.
Khoảng trống pháp lý và hệ lụy từ nợ xấu chưa được xử lý
Từ thực tế sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực đầu năm 2024, tiến trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gặp không ít rào cản. Nhiều quy định cốt lõi trong nghị quyết này vẫn chưa được luật hóa, khiến nợ xấu có nguy cơ gia tăng và tạo áp lực lớn đến hệ thống ngân hàng, trong khi đó vệc Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang khiến xử lý nợ xấu đình trệ, kiện tụng gia tăng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Ảnh: VGP/HT
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết: Nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa Luật Các tổ chức tín dụng, luật hóa Nghị quyết 42. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới đây.
Luật hóa là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, việc chuyển hóa các quy định mang tính thí điểm thành luật đòi hỏi phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đặc biệt là sự công bằng giữa các bên liên quan, bao gồm tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các chủ thể có quyền lợi liên đới khác.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh: Việc hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là điều kiện tiên quyết để giải phóng nguồn lực đang bị "đóng băng" trong hệ thống tín dụng. Theo ông, với dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nguồn lực bị ảnh hưởng nợ xấu là con số rất lớn, có nguy cơ trở thành "vốn chết".
Không dừng lại ở đó, theo TS. Lê Duy Bình, tác động kép từ nợ xấu là rất rõ rệt. Vốn không quay vòng được, trong khi tài sản bảo đảm đi kèm lại không thể xử lý do vướng pháp lý, khiến hệ thống ngân hàng vừa mất vốn, vừa "giam giữ" tài sản. Điều này làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng, từ đó đẩy lãi suất cho vay tăng cao - một hệ lụy mà toàn nền kinh tế phải gánh chịu.
Vị chuyên gia này cho rằng, quyền thu giữ tài sản bảo đảm vốn là điều phổ biến ở nhiều quốc gia, được pháp luật bảo vệ như một quyền dân sự đương nhiên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quyền này chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, gây cản trở lớn cho việc thi hành hợp đồng tín dụng và xử lý nợ.
"Về khía cạnh xã hội, tâm lý 'chây ỳ' trong trả nợ đang có dấu hiệu quay trở lại. Khi người vay thiếu ý thức trách nhiệm, thậm chí coi tài sản vay được là 'tiền của ngân hàng', hệ quả sẽ là sự suy giảm niềm tin trong toàn hệ thống tài chính", TS Lê Duy Bình cảnh báo.
Cấp thiết luật hóa quyền thu giữ tài sản nhưng cần kiểm soát chặt chẽ
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất luật hóa ba nhóm chính sách từ Nghị quyết 42, trong đó đáng chú ý nhất là quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu có thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ ràng để tránh bị lạm dụng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, điểm mới của dự thảo là cho phép thu giữ tài sản đang trong diện tranh chấp-điều mà Nghị quyết 42 trước đây không cho phép. Điều này sẽ làm gia tăng quyền lực của TCTD, do đó rất cần các cơ chế ràng buộc trách nhiệm để ngăn ngừa việc lạm dụng.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/HT
TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phân tích: Không thể hiểu quyền thu giữ tài sản là quyền tuyệt đối; phải có điều kiện cụ thể, minh bạch. Việc thu giữ phải được áp dụng khi người vay không hợp tác, chây ỳ trả nợ. Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, điều quan trọng nhất là bảo đảm sự bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng và người vay, trong đó tổ chức tín dụng phải tạo điều kiện tối đa cho những khách hàng thiện chí.
"Thu giữ tài sản là giải pháp cuối cùng, không khác gì một biện pháp thi hành án. Bởi vậy, quy trình này cần công khai để người dân và các bên liên quan biết và có thể giám sát", TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI đồng tình với việc luật hóa quyền thu giữ tài sản, nhưng nhấn mạnh rằng phải có thiết chế kiểm soát quyền lực. Theo ông Đậu Anh Tuấn, luật cần quy định rõ trình tự, thủ tục thu giữ, có cơ chế giám sát độc lập và đảm bảo quyền phản hồi từ phía người vay.
Không những thế, ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra sự cần thiết của việc minh bạch hóa các thông tin liên quan: từ danh mục tài sản bảo đảm, thời gian xử lý, giá trị thu hồi cho tới cách phân chia khoản thu về...
"Nếu không làm rõ những nội dung này, tiêu cực dễ phát sinh, đặc biệt trong các giao dịch liên quan tới người yếu thế", ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.
Kỳ vọng từ phía ngân hàng và vai trò xây dựng niềm tin tín dụng
Nhấn mạnh cần cụ thể hóa quy định về thu giữ tài sản, ông Lê Duy Bình cho rằng: Cần thiết kế quy trình thu giữ tài sản bảo đảm dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích-tức là không nghiêng về phía ngân hàng hay người vay, mà đặt trong khuôn khổ pháp luật công bằng, minh bạch. Đây là điều kiện để khôi phục lòng tin giữa các bên và đảm bảo trật tự tín dụng-yếu tố sống còn của nền kinh tế.

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/HT
Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của các quy định đề xuất. Theo bà, việc luật hóa các nội dung như quyền thu giữ tài sản cần phải được xem xét tổng thể trong hệ thống pháp luật hiện hành, tránh mâu thuẫn và đảm bảo tính thống nhất.
Bà Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nhiều nghị quyết đang được ban hành với các cơ chế đặc thù như quy định liên quan đến nhà ở xã hội, vành đai 4, hay Luật Thủ đô, thì việc đánh giá tính hợp hiến không nên theo công thức cứng nhắc, mà cần dựa trên tác động thực tiễn đối với người dân và nền kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, bà Trần Hồng Nguyên cho rằng: Các quy định như thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp cần được thiết kế cụ thể và thực chất hơn, tránh tình trạng soạn thảo hình thức. Đồng thời, cần có ý kiến của các cơ quan tố tụng như tòa án, viện kiểm sát để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo (thu giữ tài sản, xử lý tài sản liên quan thi hành án, xử lý vật chứng) đều cần được luật hóa trên nguyên tắc minh bạch, cân bằng lợi ích và tính khả thi cao. Ông cũng đề xuất rằng cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo tính hệ thống, thay vì xử lý lẻ tẻ qua nhiều luật khác nhau.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Hoàng Hải Vương - Giám đốc Khu vực Nam Sông hồng, Ngân hàng Eximbank nhấn mạnh: Quyền thu giữ tài sản không nên chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật, mà cần có quy định rõ về trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra nợ quá hạn, nợ xấu, hạn chế tối đa việc lạm dụng để "o bế", lạm trục lợi việc bán tài sản khách hàng...
"Về phía ngân hàng cũng có những quy định kiểm soát chặt chẽ với các cán bộ, có chế tài với cán bộ khi để xảy ra nợ xấu. Eximbank kỳ vọng rằng khi luật được ban hành, ngân hàng sẽ có công cụ pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ đến tận cùng vụ việc không để vướng mắc kéo dài, đồng thời củng cố văn hóa vay và cho vay trên cơ sở liêm chính", ông Hoàng Hải Vương nhấn mạnh.
Huy Thắng